“Bệ đỡ” tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Sản xuất công nghiệp sẽ đóng vai trò “bệ đỡ” cho tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2022 trong bối cảnh các ngành dịch vụ vẫn chịu tác động của đại dịch.

Năm 2021, sản xuất công nghiệp toàn cầu trở thành chủ đề nóng vì chưa bao giờ nền sản xuất thế giới lại chứng kiến và trải qua tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nặng nề đến như thế.

PMI tháng 11/2021 của Việt Nam tăng lên mốc 52,2 điểm cho thấy các điều kiện sản xuất kinh doanh cải thiện sau giai đoạn giảm do COVID-19.

Phục hồi trong gian khó

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do thiếu nguyên liệu, thiết bị; thiếu lao động; gián đoạn giao thông kết nối… đã khiến các nhà sản xuất phải vật lộn để hoàn thành sản phẩm và đưa đến tay người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, tình hình sản xuất công nghiệp toàn cầu năm 2021 là khá sáng sủa. Chỉ số PMI công nghiệp chế tạo toàn cầu có mức tăng ngoạn mục từ mức thấp nhất hồi tháng 3/2020 là 40 điểm lên mức gần 55 điểm vào tháng 10/2021.

Nguyên nhân là nhờ tiêm chủng qui mô lớn ở Mỹ và Châu Âu hồi đầu năm và tái mở nền kinh tế ở những nơi này đã giúp cầu tiêu dùng và hoạt động sản xuất quay trở lại nhanh chóng, thậm chí cầu tăng rất mạnh. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Mỹ trong tháng 10/2021 là 5,1%, cao hơn so với mức tăng 4,6% trong tháng 9. Eurozone cũng có mức tăng tương tự trong 2 tháng kể trên với lần lượt là 5,2% và 4,9%.

Sản xuất công nghiệp trong các nền kinh tế mới nổi cũng mang tính phụ thuộc vào sự dẫn dắt ở Mỹ, EU, và phần nào là Trung Quốc. Chẳng hạn, Indonesia nhờ dịch bệnh giảm và tái mở nền kinh tế nhanh, nên tăng trưởng sản xuất công nghiệp quý III/2021 đạt 2,35% so với cùng kỳ năm 2020…

Những rủi ro năm 2022

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ vẫn là trở ngại lớn cho sản xuất công nghiệp toàn cầu trong năm 2022. Có tới 15% các nhà sản xuất cho biết họ không thể có đủ thiết bị theo yêu cầu, so với mức trung bình chỉ là 5% kể từ năm 1985. Tuy nhiên, rủi ro này sẽ giảm dần khi chuỗi cung ứng dần được tổ chức lại và phục hồi vào nửa cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, giá sản xuất tăng chủ yếu do tăng giá container, giá hàng nguyên liệu, năng lượng, chi phí vận chuyển… Điều này đã và sẽ buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán. Do đó, lạm phát có thể tăng lên gây lo ngại làm sụt giảm sản lượng vì tiêu thụ giảm. Tuy nhiên, khi các chuỗi cung ứng tổ chức tốt hơn, áp lực tăng giá nguyên liệu và lạm phát cũng sẽ dịu bớt trong năm nay.
Đặc biệt, tình trạng thiếu lao động chủ yếu là do tình hình phong tỏa chống dịch trên toàn cầu và một phần do tình trạng tự nguyện bỏ việc hay nghỉ hưu sau dịch cũng được dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2022. Tuy nhiên nhờ đẩy mạnh tiêm chủng và biến chủng Omicron không gây nguy hiểm, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ chấm dứt kể từ nửa cuối 2022.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây, bất ổn kinh tế Trung Quốc… cũng tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong năm 2022.

Tăng tốc sử dụng công nghệ số có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, lợi nhuận, sức chống đỡ trước những rủi ro, chấn động.

Triển vọng tích cực

Những rủi ro kể trên vẫn tồn tại năm 2022, nhưng đều có khuynh hướng giảm dần, trong khi cầu vẫn gia tăng mạnh mẽ. Do vậy, tình hình sản xuất công nghiệp sẽ dần ổn định và tăng trưởng thuận lợi kể từ cuối năm 2022. Chỉ số PMI công nghiệp chế tạo của Mỹ dự báo sẽ đạt mức trung bình 51 điểm trong cả năm 2022; của EU là 54 điểm; của Trung Quốc là 51,3 điểm…

Dù được dự báo có triển vọng sáng sủa trong năm 2022, song các chuyên gia cho rằng các công ty trong lĩnh vực công nghiệp cần tập trung ứng phó với các rủi ro nói trên để có thể đạt được mục tiêu mong muốn. Theo đó, các doanh nghiệp cần thực hiện các chiến lược:

Thứ nhất, đa dạng hóa nguồn cung lao động kỹ năng bằng cách hợp tác với các nhiều đối tác khác nhau; đồng thời cân bằng các mục tiêu văn hóa, sáng tạo và giữ chân lao động.

Thứ hai, thiết lập mạng lưới cung ứng số và phân tích dữ liệu giúp linh hoạt hơn đối với tình trạng đứt gãy này.

Thứ ba, tăng tốc sử dụng công nghệ số có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó nâng cao sức cạnh tranh, lợi nhuận, sức chống đỡ trước những rủi ro, chấn động.

Thứ tư, mức độ chuẩn bị cần được nâng cao hơn để ứng phó với những rủi ro gia tăng như tấn công mạng, đặc biệt trong bối cảnh mới làm việc từ xa.

Thứ năm, các nhà công nghiệp chế tạo cần dùng nhiều tài nguyên và sức mạnh để thúc đẩy sự bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu xấu đi.

Một số hàm ý cho Việt Nam

Trong bối cảnh những rủi ro đối với sản xuất công nghiệp toàn cầu trong năm 2022 vẫn còn, nhưng có khuynh hướng giảm dần và chấm dứt kể từ nửa cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ thuận lợi hơn vì nó cũng là một khâu đang nổi trong sự phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự phân bố lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ gia tăng kể từ 2022 vì Trung Quốc xuất hiện nhiều rủi ro về kinh tế và cách kiểm soát dịch ở nước này, bên cạnh những rủi ro từ những căng thẳng địa kinh tế và chính trị với Mỹ và phương tây. Do đó, dòng FDI vào Việt Nam có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2022.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, để tiềm năng trên trở thành hiện thực và bền vững, thì các công ty Việt Nam cần thay đổi nhanh chóng cách quản lý của mình theo hướng số hóa. Bởi số hóa trong quản lý chuỗi cung ứng sẽ là một khuynh hướng mạnh mẽ. Các công ty Việt Nam cần nhanh chóng đi theo khuynh hướng này nếu muốn có cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở cấp độ vĩ mô, việc đào tạo nhân lực có kỹ năng cao, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực tin học và quản lý trên nền tảng số là cấp thiết, vì đó là một yếu tố quan trọng thu hút các chuỗi cung ứng.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM