Ngày 28/11/2018 – 02/12/2018, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Vũng Tàu đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học và công nghệ (STAS), trực thuộc Cục Công tác phía Nam – Bộ KHCN đã tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn “Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”. Đây cũng là một trong những hành động nằm trong chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Tài sản trí tuệ được xem là một nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc bảo vệ nguồn lực này hiện vẫn bị nhiều doanh nghiệp bỏ ngỏ do không nhận thức đầy đủ về quyền sở hữu trí tuệ Đặc biệt khi tỷ trọng loại hình tài sản trí tuệ ngày càng lớn, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải nắm vững kiến thức cần thiết để quản trị, phát triển chúng.
…Một thực tế đang diễn ra ở Việt Nam là hầu hết đối với các doanh nghiệp trong nước, sở hữu trí tuệ vẫn còn là một khái niệm xa lạ, mơ hồ chứ chưa nói đến việc xây dựng, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ…
Thông qua khóa đào tạo này, học viên đã được chia sẻ những nội dung, kiến thức cơ bản về Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp. Tổng quan về sáng kiến và hoạt động nghiên cứu phát triển. Kỹ năng xác lập quyền cho các đối tượng sở hữu trí tuệ. Kỹ năng khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Bên cạnh đó, các học viên cũng được hướng dẫn một số tình huống và vận dụng kinh nghiệm trong thực tế.
Tài sản trí tuệ thuộc loại tài sản vô hình, hình thành và phát triển trong quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Tài sản trí tuệ được hiểu một cách đầy đủ bao gồm: nguồn nhân lực (con người, người lao động trong doanh nghiệp), cấu trúc tổ chức (các quy trình, thủ tục, hệ thống và văn hóa liên quan đến tổ chức và nhân sự của doanh nghiệp) và cấu trúc các mối quan hệ của doanh nghiệp (mạng lưới khách hàng, mạng lưới các nhà cung cấp, các đối tác kinh doanh…). Mỗi yếu tố đều có vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Trong phần tài sản về cơ cấu tổ chức, người ta quan tâm nhiều nhất đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, trong khóa học, một số học viên chia sẻ rằng: Công ty mình đã nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới. Tuy nhiên khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu thì mới biết nhãn hiệu đã có người sở hữu trên thị trường. Việc thương thảo nhượng quyền sử dụng không thành nên công ty phải đổi tên sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu khác và thử nghiệm sản phẩm lại từ đầu.
Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước mà phải là của chính doanh nghiệp. Nó sẽ giúp giảm rủi ro, tránh sự xâm phạm và bảo vệ doanh nghiệp trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ các đối thủ.
Trong giai đoạn Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, AEC…), quản trị tài sản trí tuệ đã trở thành một chức năng không thể thiếu của doanh nghiệp.
Hiệp định CPTPP là một Hiệp định có tiêu chuẩn cao về thương mại, nhất là về khía cạnh SHTT với các quy định phải thực hiện rất cao so với các Hiệp định trước đây. Điều này có thể nói là sẽ tạo ra các cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng là các thách thức không nhỏ. Các doanh nghiệp đều nhận thức được phải nghiên cứu thêm rất nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ, về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và về bảo hộ quyền về sở hữu trí tuệ trong kinh doanh quốc tế, theo các nội dung rất mới trong Hiệp định. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể chủ động để phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình một cách hiệu quả hơn, và rất nên có nhân sự được đào tạo chuyên môn về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.
Là đơn vị đại diện cho cộng đồng Doanh nghiệp, VCCI Vũng Tàu luôn cố gắng cập nhật, đổi mới, cung cấp cho Doanh nghiệp những thông tin, kiến thức hữu ích, thiết thực, giúp Doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.