Chuyển đổi số (CĐS) là một trong những chủ đề được quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, CĐS trở thành lựa chọn sống còn nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Tại Việt Nam, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Tiếp đó ngày 13/12/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ CĐS doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp CĐS (gọi tắt là DBI), áp dụng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cả nước, với các quy mô khác nhau (siêu nhỏ, nhỏ, vừa, lớn).
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI
Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số và bước đầu thu được hiệu quả, nhưng sau đó lại không biết thực hiện tiếp như thế nào, nên rất cần một công cụ để hỗ trợ và đánh giá hoạt động chuyển đổi số.
Lợi ích to lớn khi áp dụng CĐS
Tại hội thảo “Giới thiệu Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) – Ứng dụng giải pháp thực tiễn trong việc nâng cao điểm chỉ số DBI” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty cổ phần MISA (MISA) phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng và linh hoạt, nên các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội bắt kịp xu thế chung của nền kinh tế thế giới, nhưng phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu thất bại trong công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực đổi mới, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông, 69% doanh nghiệp khu vực Asia Pacific đang đẩy nhanh chuyển đổi số để đối phó với Covid -19 nhằm sống sót, phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn; 47% Doanh nghiệp Việt Nam coi chuyển đổi lên môi trường số là nhu cầu cấp thiết. Doanh nghiệp chuyển đổi số mức 2 có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với DN chưa chuyển đổi số. Đó là chưa kể đến khoảng 3,1 nghìn tỷ USD (72 triệu tỷ đồng) được cộng thêm vào GDP của khu vực Châu Á -Thái Bình Dương vào năm 2024 nếu đẩy mạnh chuyển đổi số cho SMEs. Quá trình này ở Việt Nam dự đoán sẽ giúp GDP tăng thêm 30 tỷ USD (705 nghìn tỷ đồng).
DN vừa ứng dụng công nghệ, vừa tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo ông Đường, chuyển đổi số doanh nghiệp yêu cầu DN phải tư duy lại hướng kinh doanh – Tư duy lại về cạnh tranh – Đánh giá lại chuỗi giá trị – Kết nối lại với khách hàng – Cấu trúc lại doanh nghiệp. Bởi vậy, việc đo lường chuyển đổi số là rất quan trọng. Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp -DBI cung cấp cho doanh nghiệp Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số, giúp cho doanh nghiệp xác định được đang ở giai đoạn nào, và các khâu mạnh yếu của mình theo từng trụ cột của chuyển đổi số, đồng thời giúp doanh nghiệp đưa ra lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với chiến lược phát triển toàn diện, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, đưa ra các khuyến nghị về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Có 6 trụ cột quan trọng của chỉ số đánh giá chuyển đổi số của DN, đó là: trải nghiệm số cho khách hàng, chiến lược, hạ tầng và công nghệ số, vận hành, chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp, dữ liệu tài sản và thông tin.
Ông Đường cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với những chính sách ưu đãi, giúp tối thiểu 30.000 doanh nghiệp/năm trái nghiệm các nền tảng số để chuyển số, thành lập mạng lưới chuyên gia tư vấn kinh tế số gồm tối thiểu 10.000 người.
Theo đó, Bộ sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đánh giá mức độ CĐS trên Cổng DBI, tổ chức Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số DN, đồng thời tổ chức các hội thảo chuyển đổi số với các địa phương nhằm thúc đấy CĐS địa phương; đẩy mạnh truyền thông, triển khai các hoạt động truyền thông trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội và phối kết hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tập hợp, đánh giá, lựa chọn và công bố những nền tảng số “Made in Việt Nam” xuất sắc để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Doanh nghiệp SMEs khi sử dụng nền tảng số sẽ được đào tạo, chuyển giao quy trình chuẩn, cho phép DN vừa ứng dụng công nghệ, vừa thay đổi, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các nền tảng số được lựa chọn, tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ cho doanh nghiệp và có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các SMEs tham gia Chương trình. Các nền tảng số được chọn đều sử dụng công nghệ 4.0 như Cloud, AI … được triển khai theo hình thức cho thuê phần mềm, cung cấp dịch vụ số rất thuận tiện; SMEs không cần đầu tư nhiều thiết bị, hạ tầng; thời gian triển khai nhanh, chỉ vài giờ đến 1 ngày.
Nguồn: Vietnam Business Forum