Chủ tịch VCCI: Cải cách thể chế tạo nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp

TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Tân Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công về những đường hướng mà VCCI đang và sẽ triển khai trong nhiệm kỳ mới.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa bước vào nhiệm kỳ VII, giai đoạn 2021-2026, được đánh giá là bước ngoặt lớn khi tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối diện và đương đầu với dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, kéo dài. Trong bối cảnh đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và thời cơ đan xen như diễn biến phức tạp của đại dịch, xu hướng chuyển đổi số và từ kế hoạch phục hồi, phát triển nền kinh tế…, VCCI đã nghiên cứu, xây dựng chiến lược hành động và đổi mới các quyết sách để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng cùng lòng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp; giúp đỡ, hỗ trợ họ trong việc tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức mà thực tiễn đặt ra hiện nay.

TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công về những đường hướng mà VCCI đang và sẽ triển khai trong nhiệm kỳ mới.

– Ông đánh giá thế nào về “sức khoẻ” doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có cần thay đổi khác với giai đoạn khi bắt đầu có dịch không?

Với đặc thù của dịch bệnh, tác động bao trùm cả lĩnh vực kinh tế, xã hội trong suốt thời gian qua nên đã có những doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội để phát triển, cụ thể như các doanh nghiệp trong ngành y tế. Tuy nhiên, cũng lại có những ngành hàng rất khó khăn như du lịch dịch vụ, giao thông vận tải… vô cùng khó. Triển vọng phục hồi của những ngành này hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.

Câu chuyện đặt ra với các doanh nghiệp là làm sao bảo tồn để vượt qua được đại dịch. Bởi nhiều doanh nghiệp đã tiêu tốn hàng chục tỷ đồng cho phòng chống dịch. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình chịu tổn thất nặng nề nhất.

Do đó, sự quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần có chọn lọc. Trong tình hình phức tạp như hiện nay, không có một chính sách bao trùm chung mà đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất cần được ưu tiên hỗ trợ nhất. Bên cạnh có chính sách cho tổng thể nền kinh tế như kích cầu, tài khóa – tiền tệ.

Đặc biệt cần quan tâm tới chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khai thác được cơ hội từ những khoảng trống tạo ra, tiến lên bước cao hơn trong thang giá trị. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải xác định được mục tiêu như vậy để chống chọi, ứng xử với dịch bệnh.

– Thời gian qua cho thấy vẫn còn khoảng trống giữa chính sách của Nhà nước với thực tiễn của doanh nghiệp. Để gia tăng hiệu quả của các chính sách đến với doanh nghiệp, theo ông cần tập trung vào những giải pháp nào?

Chúng ta không nên bi quan về việc có khoảng trống giữa chính sách với cuộc sống, bởi không có chính sách nào sát hoàn toàn được với thực tế. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều chính sách được đưa ra, có những chính sách khó đi vào cuộc sống vì lần đầu chúng ta đối phó với tình trạng phức tạp như vậy. Nhưng sau một thời gian cũng đã tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn còn có một số nội dung chưa thiết thực, chưa sát hợp với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp.

Đơn cử như hỗ trợ đào tạo người lao động là chính sách rất tốt với khoản hỗ trợ hơn 4 nghìn tỷ đồng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được. Hay chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp không có thu nhập do tác động của COVID-19 thì giảm thuế cũng không còn ý nghĩa. Do vậy, có thể nói, luôn luôn có khoảng cách giữa tư duy của người ban hành chính sách với thực tế.

Vì vậy, để chính sách đi vào thực tiễn, người ban hành chính sách và người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách phải ngồi lại với nhau, có đối thoại, trao đổi kỹ lưỡng trước khi ban hành. Điều này bấy lâu nay chưa được làm một cách rốt ráo, hiệu quả. Và khi đối thoại, người ban hành chính sách cần trong trong tâm thế lắng nghe, nhưng nếu nghe xong bỏ đấy thì thực tiễn không “nhúng” được vào trong chính sách.

Thêm nữa, chính sách cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm và tư duy tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển là giá trị cốt lõi của chính sách. Có như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có những chính sách đúng và trúng.

Văn hóa kinh doanh – chìa khóa thành công của các doanh nghiệp lớn. Ảnh: FE CREDIT 

– Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp còn rất cần một môi trường kinh doanh thuận lợi. Vậy trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Chính phủ cần làm gì để các thủ tục pháp lý không “cản” đường doanh nghiệp phát triển?

Doanh nghiệp lúc nào cũng mong muốn một môi trường kinh doanh ổn định để phát triển. Doanh nghiệp bị thiệt hại thì cần nhanh chóng phục hồi. Còn những doanh nghiệp đã nắm bắt được cơ hội thì cần có sự phát triển mới nhờ vào những biến động của COVID-19 tạo nên. Như vậy mới nâng cao được vị thế của mình trong chuỗi giá trị.

Để làm được điều này, câu chuyện đầu tiên vẫn là thể chế. Hỗ trợ là yếu tố cần để doanh nghiệp “khỏe” lên, nhưng để mạnh lên và phát triển bền vững thì cần có thể chế. Rất mừng trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của chúng ta thì thể chế đã quay trở lại sau một thời gian gián đoạn và thành một chương trình riêng.

Doanh nghiệp bao giờ cũng mong: “Cho tôi một cơ chế tốt còn hơn cho tôi tất cả mọi thứ ưu đãi”. Những ưu đãi là cần thiết cho phục hồi nhanh trong giai đoạn nhất định khi vừa “ốm dậy”. Nhưng để tiếp tục phát triển bền vững thì cải cách thể chế là số 1. Thể chế – thể chế và thể chế. Chỉ có một thể chế thuận lợi thì doanh nghiệp đã thành lập mới phát triển tốt lên, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập thêm cũng như thu hút các nhà đầu tư đến Việt Nam.

Thể chế là nguồn lực lớn nhất cho phát triển doanh nghiệp mà chúng ta cần khai thác. Nhiều quốc gia không có tài nguyên như Nhật Bản, Singapore nhưng họ rất phát triển bởi có một thể chế tốt, bộ máy, chính sách được thiết kế hoàn hảo cho doanh nghiệp phát triển. Đấy là nguồn lực lớn nhất, đặc biệt trong thời đại kinh tế số. Việt Nam cần coi thể chế là một nguồn lực. Nguồn lực đó do hệ thống chính trị tạo ra để xây dựng và phát triển. Dư địa phát triển của Việt Nam là vô cùng lớn. Để Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 thì phải có một khung thể chế tốt.

 Vậy, con đường và cách làm mới của VCCI trong nhiệm kỳ này là gì, thưa ông?

VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam, là thành viên uy tín, tích cực của các hiệp hội, các tổ chức thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, muốn đất nước tiến tới sánh vai cùng các quốc gia phát triển vào năm 2045, thì giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải sánh ngang với giới doanh nhân, doanh nghiệp các nước này về mọi mặt, không chỉ là vốn liếng, công nghệ hay sản phẩm, mà phải cả về văn hoá, lối sống, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội.

Đây là một mục tiêu lớn đầy thách thức mà VCCI có sứ mệnh phải dẫn dắt, thúc đẩy, hỗ trợ giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đạt cho được. Một quốc gia phát triển không chỉ thể hiện bằng tiền mà phải có văn minh thương mại, văn hóa kinh doanh, không có chuyện làm hàng giả, buôn gian bán lận, trốn thuế, thiếu trách nhiệm xã hội… Những điều này sẽ không thể tồn tại được nữa.

Chúng ta phải chuẩn bị hành trang này ngay từ bây giờ vì xây dựng văn hoá kinh doanh mất rất nhiều năm để đạt được mục tiêu phát triển của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Để làm được điều này VCCI định vị mình cần liên kết các hiệp hội (khoảng 700 hiệp hội doanh nghiệp) và hỗ trợ cho các hiệp hội cùng phát triển.

Thực tế hiện nay chúng ta rất yếu trong liên kết liên ngành và liên kết liên vùng. Một tỉnh hay một ngành làm rất tốt nhưng sang tới tỉnh hay ngành khác lại chưa chắc đã đúng. Vì thế, VCCI cần hoá giải điều này, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành, các vùng nhằm tăng sức mạnh, phát huy tốt các nguồn lực kinh tế của đất nước.

VCCI tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong đó tập trung vào chuyển đổi số. Chuyển đối số không phải là mục tiêu mà là phương pháp, công cụ để đạt mục tiêu là doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt, có sức chống chọi với những biến động của thị trường, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh.

Vấn đề phát triển bền vững cũng sẽ được thúc đẩy trong nhiệm kỳ này bằng việc VCCI sẽ chính thức xây dựng văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta nói nhiều đến văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân nhưng để hiểu văn hóa kinh doanh là thế nào thì chưa thực sự hiểu rõ. Khái niệm văn hóa doanh nghiệp nhiều nơi vẫn hiểu đó là phong trào văn hóa văn nghệ trong doanh nghiệp. Nhưng văn hóa kinh doanh bao gồm cả văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp.

Bắt đầu từ nhiệm kỳ này VCCI sẽ bắt tay vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp một cách bài bản, có lý luận, nhiệm vụ, phương pháp cho nó. Văn hóa doanh nghiệp không thể cưỡng ép được nhưng chúng ta có thể khuyến khích, động viên doanh nghiệp làm nhằm tạo nên một nền văn minh thương mại của Việt Nam. Để làm tốt điều này, VCCI phải biết doanh nghiệp cần những gì để chuẩn bị tốt hành trang cho họ.

Hội nhập quốc tế cũng là câu chuyện lớn cần được quan tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp Việt Nam không bị văng khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Kích cầu trong nước cũng rất quan trọng song nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu. Coi xuất khẩu là động lực phát triển. Bởi thị trường trong nước chưa đủ sức làm đầu kéo đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng 7-8%/năm. Do vậy, chúng ta không để doanh nghiệp bị tuột ra khỏi chuỗi cung ứng quốc tế thông qua ngoại giao kinh tế, thực hiện các FTA.

Đặc biệt, có một môi trường trong lành để doanh nghiệp dễ dàng sản xuất, kinh doanh là yếu tố quan trọng không kém. Vì thế, VCCI sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách. Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho thành lập, phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.

 Xin trân trọng cám ơn ông!.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM