Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Cần giải pháp thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững

Chiều nay (17/11), Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã tham dự và có bài phát biểu khai mạc tại Tọa đàm “Phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”.

Diễn đàn Doanh nghiệp xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Tọa đàm này.

Kính thưa Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB tại Việt Nam

Các chuyên gia ADB, các đại diện của các cơ quan Nhà nước, các chuyên gia Việt Nam

Các lãnh đạo doanh nghiệp,

Thưa toàn thể quý vị và các bạn,

Thay mặt Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tôi xin gửi lời chào trân trọng nhất đến toàn thể quý vị đại biểu và cộng đồng doanh nghiệp đã cùng tham dự Tọa đàm “Phục hồi và phát triển kinh tế sau Đại dịch COVID-19 – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” ngày hôm nay do VCCI và Ngân hàng Phát triển Châu Á đồng tổ chức.

Chủ tịch Phạm Tấn Công phát biểu tại Tọa đàm

Chủ tịch Phạm Tấn Công phát biểu tại Tọa đàm “Phục hồi và phát triển kinh tế sau Đại dịch COVID-19 – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”

Buổi tọa đàm của chúng ta ngày hôm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn lớn lao ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Nhiều khu vực kinh tế trọng quan trọng phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương đã phải thực hiện giãn cách kéo dài khiến nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước, là mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh ấy, người lao động trở thành đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trước những thách thức to lớn này, Chính phủ Việt Nam đã có sự thay đổi phương châm trong chiến lược chống COVID-19 tại Việt Nam. Ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” chính thức có hiệu lực để thay thế các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 trong công tác phòng chống dịch. Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh song cũng xác định dịch bệnh sẽ không sớm kết thúc, chúng ta phải thích ứng để tìm cách ứng phó phù hợp với đại dịch, duy trì việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tạo công việc, sinh kế cho người dân. Việt Nam hiện đang có tốc độ phủ vaccine rất nhanh, với 64.3 triệu người đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (trong đó tiêm đủ liều 34.6 triệu người, tiêm 1 mũi là 29.7 triệu người). Đặc biệt tại các địa phương trung tâm kinh tế như Tp. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh… tỷ lệ người dân đã được tiêm đủ liều lên tới hơn 80%.

Đại diện VCCI tham dự Tọa đàm

Đại diện VCCI tham dự Tọa đàm

Thưa quý vị,

Để góp phần vào công cuộc phòng chống COVID-19 tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia tích cực vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng an toàn, linh hoạt trước đại dịch. VCCI đã nhanh chóng thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19. Đây là cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở

Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó COVID-19, hạn chế tổn thất, duy trì vận hành của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, người lao động và các hoạt động kinh tế, đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của cả nước. Hội đồng cũng là địa chỉ để kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp các hướng dẫn, hỗ trợ trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trong bối cảnh mới này, ngày hôm nay VCCI, Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 và Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến Phục hồi và phát triển kinh tế sau Đại dịch COVID-19 – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm trong khi phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, giải quyết các thách thức và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Với bề dày kinh nghiệm về ứng phó với đại dịch COVID-19 và những chính sách phù hợp và hiệu quả nhất để phục hồi kinh tế trong khi vẫn đảm bảo sức khỏe cho người dân từ các quốc gia đã từng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các chuyên gia ADB có mặt tại Tọa đàm ngày hôm nay sẽ chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế trong bối cảnh thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, đóng góp ý kiến tham khảo cho việc xây dựng Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế của Chính phủ.

Tôi cũng mong muốn rằng các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia phía Việt Nam sẽ tích cực trao đổi thẳng thắn và sôi nổi với các chuyên gia của ADB để Việt Nam có thể nghiên cứu, xây dựng và áp dụng những chính sách hiệu quả nhất giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi theo hướng bền vững và bao trùm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Thay mặt VCCI và Cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam, xin trân trọng cảm ơn Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB, và đại diện các ban ngành, các chuyên gia và toàn thể quý vị đã tham dự Tọa đàm ngày hôm nay. Chúc Tọa đàm của chúng ta sẽ thành công, các sáng kiến, khuyến nghị của Tọa đàm sẽ góp phần xây dựng những chính sách thuận lợi hơn nữa cho phục hồi kinh tế, đảm bảo y tế và xã hội tại Việt Nam

Chúc các quý vị nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM