Công tác cải cách hành chính đã có những bước tiến quan trọng

Công tác cải cách thủ tục hành chính đã có được những bước tiến quan trọng, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng…


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch Hội đồng – Trưởng Ban II tại phiên họp. Ảnh: N.G

Đó là đánh giá của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Phó Chủ tịch Hội đồng – Trưởng Ban II tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 và thảo luận triển khai công tác cuối năm 2022 của Ban đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính (Ban II)Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra chiều ngày 12/7/2022 tại VCCI.

Thủ tục đã có nhiều bước đột phá

Tại buổi họp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam đã có được những bước tiến quan trọng. Cải cách thủ tục hành chính là một khâu trọng tâm, đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hoá, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng.

Kết quả điều tra PCI 2021 mà VCCI công bố ngày 27/4/2022 vừa qua cho thấy nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính ở nước ta tiếp tục đã được cải thiện đáng kể. 75% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục.” 74% doanh nghiệp đánh giá rằng “thủ tục giấy tờ đơn giản” hơn trước…

“Một trong những kết quả nổi bật về cải cách thủ tục hành chính trong những năm gần đây là việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công. Dịch vụ công trực tuyến đang trở nên phổ biến trong giải quyết thủ tục hành chính ở các cấp. 57% doanh nghiệp qua điều tra của VCCI cho biết việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, góp phần vào những thành công ấy là những đóng góp quan trọng của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Các đơn vị thành viên Ban II cơ bản đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy cải cách hành chính, kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thời gian vừa qua, nhiều vấn đề nóng, liên quan tới việc xây dựng và triển khai các thủ tục hành chính tiếp cận các gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 đã được thành viên của Ban triển khai. Các thành viên của Ban đã kiên trì đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành nhiều kiến nghị cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh, thuận lợi hoá các thủ tục hải quan và kiểm tra chuyên ngành…

Không chỉ các hoạt động ở cấp Trung ương và liên quan tới chính sách vĩ mô, thành viên Ban II đã đẩy mạnh nhiều hoạt động thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ở cấp địa phương. Bộ Nội vụ có hoạt động công bố chỉ số PAR Index, SIPAS để đánh giá cải cách thủ tục hành chính và hài lòng của người dân đối với các tỉnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian qua có các chương trình giám sát thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương trong nhiều ngành trong đó có thuế và hải quan.

Riêng đối với VCCI, đó là việc điều tra và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 17 năm qua, chỉ số đánh giá và đo lường nỗ lực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ trong phát biểu tại Đại hội XIII của VCCI ngày 31/12/2021 đã đánh giá rất cao vai trò, ý nghĩa và tác động của chỉ số này với quá trình cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh tại Việt Nam. Bên cạnh PCI, VCCI đã và đang phối hợp với nhiều bộ, ngành để đánh giá chất lượng thực thi trên nhiều lĩnh vực như thuế với Tổng cục Thuế, hải quan với Tổng cục Hải quan, hội nhập với Bộ Công Thương, môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đầu tư – xây dựng với Bộ Xây dựng …

Các thành viên Ban II cũng khá tích cực trong chương trình rà soát và đánh giá quy định của Cục kiểm soát Thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; Góp ý phương án cắt giảm chi phí tuân thủ của nhiều bộ ngành; Góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án phân cấp giải quyết thủ tục hành chính…

“Kết quả triển khai các công việc trong 6 tháng đầu năm là đáng khích lệ, tuy nhiên, cũng cần thẳng thắng thừa nhận việc triển khai các hoạt động của Ban II còn một số tồn tại”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thẳng thắn nói.

Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng tại phiên họp. Ảnh: N.G

Cải cách còn dư địa…

Ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng cũng nhìn nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Ban II trong 6 tháng đầu năm 2022.

“Đây là một bước tiến rất lớn trong mục tiêu tạo môi trường thông thoáng để phát triển kinh tế cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Ngô Hải Phan nói.

Đồng tình, ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban thường trực – Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Thành viên Ban II cho biết, Báo cáo được tổng hợp nội dung từ báo cáo từ 5/7 thành viên Ban II, gồm có: Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ, Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Ngân hàng.

Đối với việc tư vấn, đề xuất những sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, các thành viên Ban II đã chủ động và tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.

Ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban thường trực – Phó Tổng thư ký – Trưởng Ban Pháp chế VCCI – Thành viên Ban II trình bày báo cáo tại phiên họp. Ảnh: N.G

 

 

 

 

Trong việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, để thực hiện nhiệm vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Ban II đã triển khai các hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính của các Bộ, ngành, địa phương với một số hoạt động lớn, điển hình như:

Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR index 2021) đã được Bộ Nội vụ tổ chức vào ngày 25/5/2022.  Đây là là năm thứ 10 liên tiếp, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan triển khai xác định, công bố Chỉ số PAR index của các bộ, các tỉnh, thành phố cả nước; là năm thứ 5 triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục của cơ quan hành chính tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI tổ chức ngày 27/4/2022. Hoạt động xây dựng và công bố PCI từ năm 2005 đến nay đã thúc đẩy chính quyền các tỉnh thành phố nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.  Kết quả phân tích dữ liệu PCI nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Việc ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ thông tin vào cung cấp dịch vụ công cũng đang từng bước giúp giảm bớt thời gian và chi phí đối với doanh nghiệp. Dù vậy, kết quả điều tra vẫn cho thấy một số thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp. Thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp phản ánh nhất.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam góp ý tại phiên họp. Ảnh: N.G

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thực hiện chương trình đánh giá thủ tục hành chính qua cơ chế Một cửa quốc gia: VCCI đang triển khai thu thập dữ liệu thông qua khảo sát doanh nghiệp để thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi thực hiện TTHC qua Cơ chế Một cửa quốc gia và thủ tục quản lý kiểm tra chuyên ngành. Tiến hành từ tháng 5 đến tháng 7/2022 và phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, khảo sát này tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các Bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Đánh giá về thủ tục cấp phép xây dựng: VCCI tiếp tục năm thứ 3 liên tiếp phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện khai thác dữ liệu khảo sát doanh nghiệp để đánh giá việc thực hiện thủ tục cấp phép xây dựng tại các địa phương. Trong năm 2022, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, VCCI sẽ phối hợp hoàn thiện và công bố kết quả Chỉ số cấp phép xây dựng của 63 tỉnh thành phố.

Đánh giá hệ thống đấu thầu mua sắm công tại Việt Nam: Khảo sát đánh giá hệ thống mua sắm công tại Việt Nam được VCCI phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các chuyên gia nhằm đánh giá thực tế triển khai hệ thống đấu thầu mua sắm công của Việt Nam thông qua góc nhìn của các chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu và các hiệp hội doanh nghiệp, nhà báo…

Đối với hoạt động tiếp nhận, tổng hợp phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc… trong quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật đã được các thành viên Ban II triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của mình trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ông Phạm Ngọc Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách thủ tục hành chính (Bộ Nội vụ) góp ý tại phiên họp. Ảnh: N.G

 

 

 

 

 

Đối với việc tham gia ý kiến về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực triển khai các hoạt động nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Cụ thể, VCCI đã tham gia 17 hội đồng/họp thẩm định/thẩm tra các đề xuất/đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các dự thảo VBQPPL, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong đó có những nội dung tác động rất lớn tới doanh nghiệp như các vấn đề về điều kiện kinh doanh, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, các Nghị định hướng dẫn các Luật về thuế, chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội…

Nhiều dự án luật, vấn đề lớn được các Uỷ ban của Quốc hội yêu cầu tham gia ý kiến nhiều lần bằng văn bản và tại các cuộc họp thẩm tra, ví dụ: sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thanh tra, kiểm tra, Luật Dầu khí, Luật Tần số vô tuyến điện, đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

VCCI đã hoàn thành bản ý kiến góp ý 51 dự thảo VBQPPL gồm: 06 luật và đề xuất xây dựng luật, 19 nghị định, 11 thông tư, 04 Nghị quyết, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 03 văn bản của UBND tỉnh, 05 văn bản khác, trong đó có những văn bản phải tham gia ý kiến nhiều lần. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, VCCI đã tổ chức 06 Hội thảo lấy ý kiến: phối hợp với các cơ quan soạn thảo và cơ quan nghiên cứu tổ chức: góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh); góp ý dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước; sửa đổi Luật Đất đai 2013; dự thảo Nghị định sửa đổi các Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai; Quy định về gia nhập thị trường – hiện trạng và kiến nghị (Tp. Hồ Chí Minh).

Đồng thời, VCCI đã tham gia rất nhiều cuộc họp tại các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nghiên cứu góp ý, trao đổi về các vấn đề về chính sách, pháp luật và đánh giá thực thi, trao đổi kinh nghiệm quốc tế, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật và các biện pháp tham vấn doanh nghiệp hiệu quả. VCCI cũng đã tham gia góp ý các Dự án phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC do các Bộ, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ theo hướng đánh giá tính hiệu quả của các đề xuất phân cấp TTHC đối với hoạt động cải cách TTHC. Trong đó, VCCI đã ra các đề xuất để nâng cao hiệu quả của các phương án phân cấp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: N.G

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết thúc phiên họp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định, vai trò của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nói chung và Ban II nói riêng rất quan trọng. Nhiệm vụ từ giờ đến hết năm 2022 và năm 2023 rất lớn, rất nặng nề, cần tập trung vào một số trọng tâm công việc, cụ thể. Tập trung rà soát, đánh giá các thủ tục hành chính của chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Thủ tục hành chính không được là rào cản để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động có thể tiếp cận tốt nhất, dễ dàng nhất các các chương trình hỗ trợ. Kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ và nhanh chóng kiến nghị tới các cơ quan nhà nước có liên quan có điều chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động phản biện, góp ý chính sách đặc biệt liên quan đến thủ tục hành chính thông qua việc tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập, các hoạt động thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt thời gian tới tập trung vào các luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật  Thanh tra… Chuyển tải ý kiến cộng đồng doanh nghiệp tới quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Đồng thời, phải chủ động và tích cực trong thực hiện các sáng kiến pháp luật, tổng hợp thông tin từ thực tế để đề xuất các phương án ban hành văn bản pháp luật mới cần thiết; nhanh chóng sửa đổi hay bãi bỏ các quy định pháp luật gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục triển khai đánh giá các thủ tục hành chính quan trọng, “nóng”, liên quan đến đông đảo doanh nghiệp và người dân như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục về lao động, đăng ký kinh doanh, đầu tư, thanh tra, kiểm tra, nhóm thủ tục liên ngành về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường …

“Cùng với đó là phải thay đổi mạnh mẽ về tổ chức và cách thức hoạt động của Ban II, tăng cường sự phối hợp, huy động sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp vào hoạt động quan trọng này”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM