“Covid-19 xảy ra đã tạo đà cho cuộc “đổi ngôi” từ bán lẻ truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Đồng thời, cùng với sự phát triển của công nghệ, thói quen mua sắm tiêu dùng cũng dần thay đổi”. Đây là khẳng định của ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI trước những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh đến bức tranh bán lẻ hiện nay trên thị trường.
Theo ông Phòng, khách hàng giờ đây có thói quen xem xét và lựa chọn hàng hoá trực tuyến trước khi đặt mua hoặc tới mua tại cửa hàng. Hơn nữa, không chỉ mua một món đồ, người tiêu dùng còn đề cao tính trải nghiệm trong quá trình mua sắm.
Các yếu tố này đòi hỏi doanh nghiệp bán lẻ luôn phải tối ưu nguồn lực của mình và đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển bền vững. Việc ứng dụng công nghệ mới như IoT, AR, Big Data, AI, Machine Learning… giúp doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng với những trải nghiệm và giá trị khác biệt, tối ưu hoá chiến lược quản lý và chuỗi cung ứng, từ đó gia tăng doanh số hoạt động.
“Một điều không cần phải bàn cãi là thị trường bán lẻ đang cực kỳ cạnh tranh. Bất kể quy mô của doanh nghiệp là gì, tốc độ chuyển đổi số cũng đều đóng vai trò quyết định đối với sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ trong tương lai”, ông Phòng nhận định.
Trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại dưới sự ảnh hưởng của đại dịch, kinh doanh mua sắm trực tuyến lại có mức tăng trưởng khả quan. Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA, Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2020 có tới 53% người dân Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Nhờ đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã tăng trưởng 18%, tương đương 11,8 tỷ USD. Chuyển đổi số giờ đây không những là lựa chọn mà còn là con đường tất yếu của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ, để có thể phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Ông Lê Đức Trung, Quản lý kênh đối tác của Microsoft Việt Nam nhận định, dưới tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp đã có ý thức chuyển đổi số, làm mới mình nhanh hơn. Nếu như trước kia, để chuyển đổi số doanh nghiệp phải mất 2 năm thì giờ đây chỉ mất 2 tháng. Đặc biệt trong ngành bán lẻ, yếu tố chuyển đổi số càng phải nhanh hơn vì thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khách hàng đã có những yêu cầu cao hơn.
Thực tế cho thấy, hiện các nhà bán lẻ rất coi trọng phương thức bán hàng đa kênh và áp dụng các công nghệ mới trong cả hoạt động bán hàng và thanh toán. Theo một kết quả một khảo sát, có tới 79% người tiêu dùng đang sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc để đảm bảo an toàn mùa dịch.
Tuy nhiên, chuyển đổi số đối với các DNVN không phải là quá trình đơn giản và dễ dàng. Theo ông Trần Viết Huân, Giám đốc công nghệ công ty Sơn Kim Retail , đối với doanh nghiệp bán lẻ, thách thức đầu tiên trong chuyển đổi số là vai trò của người lãnh đạo. Sau nhiều đợt Covid, không còn ai đặt câu hỏi là tại sao phải chuyển đổi số mà nhiều doanh nghiệp đã bắt tay vào chuyển đổi số nhưng gặp phải nhiều khó khăn. Trước kia, vai trò của công nghệ thông tin (IT) không quan trọng trong cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, đa phần nhân viên IT chỉ là bộ phận hỗ trợ. Nhưng khi chuyển đổi số, vai trò của IT thay đổi nên nhân viên cũng cần sự hiểu biết sâu về chuyển đổi số. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần am hiểu về chuyển đổi số để lựa chọn đối tác chiến lược cùng song hành trong chuyển đổi số. Làm thế nào để tối ưu hoá trải nghiệm của khách hàng thông qua chuyển đổi số và trở thành văn hoá của công ty vì chúng ta đã quá quen với mô hình cũ. Lúc này không còn phân biệt bộ phận IT với bộ phận marketing hay bán hàng mà đều phải am hiểu công nghệ, để công nghệ nói được tiếng nói của doanh nghiệp.
Để chuyển đổi số thành công, theo ông Trung, cần tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng, thông qua việc thu thập dữ liệu cá nhân, chăm sóc khách hàng thân thiết, ứng dụng các công nghệ như AI, Chatbot… vào việc chăm sóc dịch vụ khách hàng, đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà…. Đặc biệt, cần trao quyền cho nhân viên, cung cấp những công cụ giúp họ thỏa sức sáng tạo ra các dịch vụ, sản phẩm tốt hơn, thành một chuỗi cung ứng thông minh; tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ, chẳng hạn như giải pháp về chữ ký điện tử, hóa đơn điện tử và tăng cường cung cấp các dịch vụ mới, nhiều giá trị gia tăng hơn để có thể tăng trải nghiệm khách hang.
“Điều kiện để doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là cần nền tảng và đối tác công nghệ đáng tin cậy, an toàn bảo mật, minh bạch về chi phí”, ông Trung khẳng định.
Còn ông Phòng khuyến nghị, các công ty bán lẻ luôn phải tối ưu nguồn lực của mình, đặt khách hàng làm trọng tâm để có thể tồn tại và phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19.
Được biết , Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Vụ Khoa học Công nghệ -Bộ Thông tin và Truyền thông
Để ngành bán lẻ chuyển đổi số thành công, cần sự thay đổi về nhận thức, quyết liệt trong hành động của đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó, cân nhắc lựa chọn mô hình kinh doanh hiện tại trên lăng kính công nghệ số để lựa chọn, lập kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp mình. Đặc biệt, xác định cụ thể nhu cầu của doanh nghiệp. Có những mô hình kinh doanh khác nhau như nhỏ, vừa, lớn và các loại sản phẩm khác nhau nên lựa chọn mô hình nào phù hợp để đưa ra lộ trình thực hiện. Ngoài ra, cần có đầu mối am hiểu về chuyển đổi số để có lựa chọn mô hình và thực hiện chuyển đổi số thành công. Xây dựng KPI để đánh giá hiệu quả sự chuyển đổi trong 3,6, 9 hay 12 tháng. |
Nguồn: Vietnam Business Forum