ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân trẻ

Tại Đại hội VCCI lần VII, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam.

Phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, được tổ chức sáng nay (31/12/2021), ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh trong vòng 10 năm qua, bất chấp những thăng trầm của nền kinh tế thế giới, bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid 19 đang hiện hữu, những từ khóa như “Khởi nghiệp”, “Khởi nghiệp sáng tạo”, “thúc đẩy tinh thần kinh doanh” tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu thế trên truyền thông chính thống cũng như xã hội.

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu tại Đại hội.

Theo ông Hồng Anh, các chính sách của Nhà nước, sự cổ vũ của cộng đồng, sự nhạy bén của các nhà khởi nghiệp đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên, doanh nhân trẻ. Năm 2016, Chính phủ đã chính thức ấn định là năm quốc gia khởi nghiệp, đánh dấu thời điểm phong trào được thúc đẩy và phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo ông Hồng Anh, giai đoạn 2017 – 2025 được xem là thời kỳ vàng cho khởi nghiệp với sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp.

434 đại biểu, đại diện cho hơn 220 hiệp hội doanh nghiệp thành viên và gần 200 nghìn doanh nghiệp hội viên trong cả nước dự Đại hội tại Hà Nội và các điểm cầu.

Trong giai đoạn này, rất nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã ra đời: Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Techfest (sự kiện thường niên của Chính phủ dành cho cộng đồng khởi nghiệp ĐMST); đặc biệt, năm 2017, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời đã tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc cho khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Nói như vậy không hẳn bức tranh Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Việt Nam chỉ toàn màu sáng, vẫn còn đó nhiều khó khăn, hạn chế có tính căn bản rất cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Đó là khó khăn về vốn; khó khăn về hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao chưa cao; hạn chế về nhân lực trình độ cao; hạn chế về tư duy của startup; khó khăn về thủ tục hành chính; hạn chế về cơ sở vật chất, nghiên cứu phát triển; chưa có kiến thức nền tảng vững chắc về các vấn đề pháp lý”, ông Hồng Anh nhấn mạnh.

Phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Với những nguyên nhân và hạn chế nêu trên, để có thể thúc đẩy hơn nữa tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên và doanh nhân trẻ, ông Hồng Anh đưa ra một số giải pháp.

Thứ nhất, thay đổi tư duy và nhận thức đối với người đứng đầu doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các thành viên sáng lập phải luôn luôn có sự quyết tâm cao trong việc học hỏi phương pháp khởi nghiệp tinh gọn, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thường xuyên xem xét lại mô hình kinh doanh để phát hiện và điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Để làm được điều này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thường lồng ghép việc phổ biến và truyền thông mạnh mẽ trong các Hội nghị sơ kết, tổng kết, dịp Đại hội các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để làm thay đổi nhận thức, tư duy của những người đứng đầu doanh nghiệp, giới thiệu các mô hình chuyển đổi số thành công của hội viên, giới thiệu và PR cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo của doanh nhân trẻ, startup tới các nhà đầu tư, quỹ đầu tư để họ có thể hiện thực hóa các sản phẩm đổi mới sáng tạo của mình, giúp ích cho cộng đồng và xã hội”, ông Hồng Anh nói.

Thứ hai về nâng cao năng lực cạnh tranh cho các CEO trẻ trong kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ở đó có sự tham gia của các chuyên gia về đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các startup để tư vấn, hỗ trợ và kết nối cho các dự án đổi mới sáng tạo khả thi, mang tính thực tiễn. Các nhà đầu tư có thể là những doanh nhân thành đạt trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, thành viên trong Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Cộng đồng startup và doanh nhân trẻ tham gia hệ sinh thái là hội viên Câu lạc bộ Đầu tư và khởi nghiệp – Doanh nhân trẻ Việt Nam, hội viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Công nghệ và chuyển đổi số – Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ kế thừa Doanh nhân trẻ Việt Nam. …

Thứ , thành lập các Quỹ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Qua đây, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng mong rằng các ngân hàng, tổ chức tín dụng nên nghiên cứu trích lập và xây dựng quĩ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp và phối hợp cùng các hiệp hội như Hội DNT Việt Nam thẩm định các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp có tính khả thi để đầu tư và có cơ chế hỗ trợ về vốn ưu đãi cho các dự án khởi nghiệp.

Thứ năm, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Khi cơ cấu của các ngành công nghiệp thay đổi với hàng loạt công nghệ, quy trình và phương pháp quản lý mới sẽ tạo ra bởi nguồn lực tri thức cao. Nguồn lực tri thức sẽ trở thành giá trị cốt lõi của nền sản xuất chứ không phải là nguồn vốn. Do vậy, việc các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp xây dựng cho mình một trung tâm/hay phòng ban đổi mới sáng tạo để nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến mang tính sáng tạo phục vụ cho việc đem lại giá trị cao cho sản phẩm của doanh nghiệp mình là điều rất quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho chính doanh nghiệp đó.

Chương trình phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia (Chương trình) do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp khởi xướng và tổ chức thường niên từ năm 2003, được sự chỉ đạo của VCCI và sự phối hợp triển khai của nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước.

Chương trình nhằm kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh cho thế hệ trẻ cả nước. Thông qua Chương trình, các dự án khởi nghiệp khả thi sẽ được cố vấn hoàn thiện, kết nối với các nhà đầu tư cho dự án và hỗ trợ thành lập doanh nghiệp.

Trải qua 18 năm, Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia nhiệt tình của hàng vạn các bạn thanh niên – sinh viên trên cả nước với hơn 6.600 dự án tham gia dự thi, hàng trăm dự án đã triển khai thực tế. Bước sang năm thứ 19, Chương trình tiếp tục được triển khai trên quy mô toàn quốc, dành cho các bạn thanh niên – sinh viên trong và ngoài nước dành cho các bạn thanh niên – sinh viên đã khởi nghiệp kinh doanh.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM