Việt Nam đang thúc đẩy cải cách thể chế, với hi vọng sẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy năng suất và thúc đẩy tăng trưởng. |
Nhiều nhà quan sát tăng trưởng kinh tế gần đây đi đến kết luận rằng, đại dịch COVID-19 chắc chắn gây ra rất nhiều khó khăn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng cũng có không ít cơ hội. Nền kinh tế Việt Nam là một trong những “người mới” trên thị trường toàn cầu đã biết nắm lấy cơ hội và khai thác thành công. Vậy “phép lạ” tăng trưởng của Việt Nam nằm ở đâu?
Chung ta đang đúng hướng với nền kinh tế số, cải cách đột phá thể chế và tăng cường cơ sở hạ tầng cho nền sản xuất xuất khẩu. Các báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 tại kỳ họp Quốc hội của Chủ tịch nước, Chính phủ và Quốc hội đều đồng thuận định hướng phát triển đó.
Hạ tầng cứng và hạ tầng mềm
Các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thường chưa kết nối hoàn chỉnh “hệ thống hạ tầng cứng”, như đường sá, cầu cống, hải cảng, sân bay… Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT trong 5 năm tới là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Đến năm 2025, dự kiến hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông để cả nước có khoảng 3.858 km đường cao tốc, hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn; chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…
Tuy vậy, một số nhà đầu tư vẫn e ngại đối với tốc độ xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Bù lại, Việt Nam đang áp dụng công nghệ không dây nhanh hơn nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển. Bài học nhiều nước cho thấy họ có thể tăng trưởng nhanh nhờ xuất hiện của “nền kinh tế số” không dây, không tiền mặt.
Các công ty internet mới cũng đang tăng lên nhanh tại Việt Nam. Với kiến thức về thị hiếu và đa ngôn ngữ, họ đang mở rộng khả năng tiếp cận với nhiều loại dịch vụ như ngân hàng và hoạt động văn phòng, giúp các công ty khởi nghiệp dễ dàng tiến hành. Trung bình, doanh thu từ kỹ thuật số đang tăng và chi phí khởi nghiệp giảm tại các nước có nền kinh tế mới nổi so với các nước có nền kinh tế phát triển. Đây là cơ sở ha tầng mềm cho kinh tế số Việt Nam đột phá vào tương lai.
Ở một khía cạnh khác, sự vắng mặt của du khách nước ngoài đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước phụ thuộc vào du lịch khác trong khu vực như Thái Lan, nơi IMF ước tính nền kinh tế sụt giảm tới 7,1% trong năm 2020.
Bài học xuất khẩu
Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), trong số 195 nền kinh tế thế giới hiện nay, một số ít vươn lên thoát nghèo và lập nên kỳ tích, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Một bí quyết của họ là sản xuất để xuất khẩu.
Lý do đơn giản là một mình thị trường nội địa không thể nào duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mà phải thu hút doanh thu từ khắp nơi trên thế giới.
Khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã thay đổi bệ phóng với nền kinh tế thị trường, hội nhập thế giới và chính sách ngoại giao đa phương, cho phép “dàn hỏa tiễn tăng trưởng” đủ lực bay vào quỹ đạo của các “ngôi sao tăng trưởng”.
Cũng cần lưu ý rằng mặc dù con đường dẫn đến sự thịnh vượng thông qua sản xuất xuất khẩu đang thu hẹp nhưng nó vẫn chưa đóng lại. Quỹ đầu tư Morgan Stanley đánh giá các nền kinh tế thuộc nhóm này đứng đầu là Việt Nam, sau đó là Bangladesh, Ba Lan và Cộng hòa Séc. Báo cáo của Morgan Stanley: “Họ là một trong những người chiến thắng lớn khi các công ty tìm kiếm mức lương thấp hơn và chuỗi cung ứng ngắn hơn”.
Phương thức điều hành linh hoạt và thích nghi đã cho phép Việt Nam tận dụng tối đa có thể trong tình hình có nhiều diễn biến mới như hiện nay.
Tuy nhiên, mối lo lớn vẫn là, nếu FDI quá lớn và xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính thì nền kinh tế sẽ phụ thuộc các yếu tố bên ngoài. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã điều chỉnh thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu linh hoạt và chủ động hơn.
Kinh tế số
Các chuyên gia kinh tế nhận định: những biến đổi của đại dịch đang cung cấp khả năng tiếp thêm sinh lực cho ít nhất một số nền kinh tế mới nổi. Những chuyển đổi đó bao gồm một cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tăng tốc, các Báo cáo mới đây của Google và công ty đầu tư Singapore Temasek đã mô tả nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam – vốn đang tăng trưởng hơn 40% mỗi năm – là “một con rồng đang được tháo dây”. Điều rõ ràng là công nghệ đang định hình lại cách mà người Việt Nam kinh doanh, sản xuất hàng hóa, giải trí, mua sắm, tổ chức tài chính và giao tiếp. Hiện nay, cả nước đang thay đổi căn cước công dân thẻ chip và xóa bỏ hộ khẩu giấy, đây sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng số hóa trong tương lai gần.
Đại dịch đang thúc đẩy việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, có tác động đặc biệt mạnh mẽ đến các nền kinh tế chưa trưởng thành. Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật số khó có thể tạo ra tăng trưởng hai con số vì tác động của nó phần lớn chỉ giới hạn trong nước, do vậy nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh xuất khẩu.
Tiếp tục cải cách thể chế
Một bước phát triển lớn khác là cải cách thể chế. Chỉ có cải cách thể chế liên tục chúng ta mới đạt được tăng trưởng 2,9% trong đại dịch và kỳ vọng tăng 6,5% vào năm 2021. Thiếu vốn, các nước đang phát triển như Việt Nam đang thúc đẩy cải cách thể chế, với hi vọng sẽ thu hút đầu tư, thúc đẩy năng suất và thúc đẩy tăng trưởng.
Nhìn ra chung quanh, hầu hết các nước đều đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Ấn Độ đang nới lỏng luật lao động và các quy tắc đã bảo vệ nông dân khỏi các lực lượng thị trường trong nhiều thập kỷ. Indonesia đang cắt giảm thuế và cắt giảm các khoản đầu tư và việc làm. Brazil đang thúc đẩy kế hoạch cắt giảm quy mô hệ thống lương hưu. Arab Saudi đang đại tu các quy tắc nhập cư để mở cửa cạnh tranh trên thị trường lao động. Các chiến dịch tương tự đang được tiến hành ở Ai Cập, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các quốc gia khác.
Trong năm thứ hai của đại dịch- 2021, một số các nền kinh tế đang phát triển có thể sẽ tăng trở lại và chói sáng như những ngôi sao thực sự. Bình luận cùa cộng đồng các nhà kinh tế thế giới có khuynh hướng chọn Việt Nam như một trong những ngôi sao đó.
Không chủ quan với lạm phát
Ngày 31/3, Forbes đã nhận định, Việt Nam chiến thắng trong những diễn biến mới trên toàn cầu và “tỏa sáng trong bối cảnh hỗn loạn COVID-19”, cho thấy “Hà Nội có một mùa xuân nhất định trong bước đi của mình”.
Tuy nhiên, tờ báo này viết, trong khi phần lớn thế giới phải vật lộn để tránh các cuộc suy thoái liên quan đến COVID-19, Việt Nam được dự báo phải đối mặt với một tình thế khó xử hoàn toàn khác: quá nóng.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trương Văn Phước cho rằng Việt Nam không “nhập khẩu lạm phát”. “Mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay là kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế chứ không phải vấn đề lạm phát”, ông Phước nói khi trả lời phỏng vấn báo chí.
Theo ông Phước, trong năm 2021, lạm phát toàn cầu dự báo sẽ tăng ở mức 2,9% so với 2,6% năm 2020. Với kinh tế Việt Nam, thành công trong chống dịch COVID-19 đã tạo ra niềm hi vọng lớn để có thể có tăng trưởng theo dự báo ít nhất là 6,5% trong năm 2021 và lạm phát có thể kiểm soát quanh mức 4%. “Về lý thuyết, tiền ra thị trường nhiều sẽ làm giá cả tăng lên. Nhưng tăng bao nhiêu, ở mức nào thì nhà nước sẽ can thiệp là vấn đề mọi người quan tâm. Nếu đại dịch COVID-19 đã đặt ra “trạng thái bình thường mới”, trong điều hành tiền tệ cũng có sự linh hoạt kiểu bình thường mới”, ông Phước nhấn mạnh.
Rõ ràng, Việt Nam đã có kịch bản cho tình huống “phản ứng phụ không mong muốn” của lạm phát. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành.
Thật ra, trong khi nhìn ra để học bài học của các nước, chúng ta đồng thời nhìn lại để tự học bài học của chính mình trong những năm qua. Khi đưa cải cách thể chế vào hạng mục ưu tiên trong nghị trình chính sách, chúng ta đang rút kinh nghiệm hay học bài học của chính mình – như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói: “Luôn khiêm tốn học hỏi”.
Việc Chính phủ thúc đẩy, khuyến khích các địa phương thi đua, cạnh tranh nhau để phát triển địa phương là một cách làm tốt. Trong nhiều năm tới, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy một địa phương như Lai Châu hay Đồng Tháp có thu nhập bình quân đầu người theo kịp với TPHCM – trung tâm kinh tế hay Vũng Tàu – nơi xuất khẩu dầu thô của đất nước.
Nguồn: Báo Chính phủ