(HQ Online) – Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng, sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh, các doanh nghiệp đang như những “lò xo nén”, đều đã thiết lập lại kế hoạch để chờ cơ hội bật lên bứt phá.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công. |
Ông đánh giá như thế nào về “sức bật” của doanh nghiệp trong năm 2022?
Bước sang năm 2022, cơ hội và thách thức cho cộng đồng doanh nghệp là rất nhiều. Bởi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước như thời gian trước đã giúp cả nước, mỗi địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận được những bất cấp trong quá trình điều hành và phát triển, chẳng hạn về chuỗi cung ứng, kinh nghiệm quản trị điều hành, phát triển hệ sinh thái hay quá trình chuyển đổi số như thế nào để phù hợp với xu thế.
Nhất là trong khoảng thời gian giãn cách, các doanh nghiệp không kinh doanh được nhiều nhưng lại chính là thời điển để tất cả doanh nghiệp, doanh nhân nhìn lại mình. Mọi sự hạn chế trong khoảng thời gian khó khăn đó như “lò xo nén” chờ cơ hội để bật lên. Các doanh nghiệp, doanh nhân đều xây dựng lại định hướng phát triển, xây dựng đội ngũ, lên những kế hoạch hành động cụ thể để mong rằng khi dịch giảm, bớt hẳn thì có ngay chiến lược, kế hoạch bù đắp lại. Nên rất nhiều cơ hội nhìn thấy được trong tương lai. Đặc biệt là hệ sinh thái trong cộng đồng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng được gắn chặt hơn, đoàn kết hơn, cộng hưởng với nhau về tất cả điểm mạnh, điểm yếu để làm ra tập thể mạnh. Nên sau đại dịch, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp TPHCM sẽ có tốc độ phát triển tốt hơn để bù lại khoảng thời gian bị đình trệ sản xuất, kinh doanh.
Tất nhiên, những khó khăn bởi đại dịch vẫn còn đó, khi các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng từ nguồn lực tài chính đến hệ sinh thái doanh nghiệp, nhân sự trong doanh nghiệp còn thay đổi, nghỉ việc cùng những ca nhiễm Covid-19 vẫn còn… Do đó, cộng đồng doanh nghiệp luôn mong Chính phủ, các bộ, ngành quản lý cùng các địa phương phải có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt nhất là có những thay đổi, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đầu tư các dự án…
Năm 2021, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ cộng đồng với mô hình “ATM oxy”, điều này sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Hiện tại các hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trong công tác hỗ trợ cộng đồng vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Hội đã triển khai mô hình “ATM oxy” đi các tỉnh miền Tây cùng nhiều địa phương trên toàn quốc, Hội cũng đang kết hợp với Thành đoàn Hà Nội để làm giống các mô hình như đã thực hiện tại TPHCM. Chúng tôi sẽ giữ các hoạt động đó đến khi nào dịch bệnh ổn mới ngừng lại, để chuyển sang các hoạt động công tác xã hội khác như ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa… đặc biệt nhất là sẽ có các hoạt động mạnh hơn để ủng hộ cho phong trào khởi nghiệp.
Ông đã nói về hỗ trợ khởi nghiệp, xin ông cho biết những hỗ trợ này nên tiếp tục thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu cả nước có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 mà Chính phủ đang “ấp ủ”?
Các chính sách của Nhà nước, sự cổ vũ của cộng đồng, sự nhạy bén của các nhà khởi nghiệp đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trong thanh niên, doanh nhân trẻ. Vì thế, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện có các câu lạc bộ khởi nghiệp hoạt động trên 15 tỉnh thành, với khoảng 5.000 hội viên. Qua hoạt động thực tiễn, chúng tôi mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng và những gì thiết thực cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Hiện cộng đồng khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về vốn, hàm lượng trí tuệ và công nghệ chưa cao, hạn chế về nhân lực trình độ cao, cơ sở vật chất còn thiếu thốn cùng những hạn chế trong kiến thức về tư duy quản trị, kinh doanh…
Do đó, Hội đã thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có Khởi nghiệp 1 kèm 1 – một doanh nghiệp kèm một doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng ở góc độ bên ngoài Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tôi mong lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp. Một doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ 5-10 bạn trẻ khởi nghiệp, bởi các doanh nghiệp lớn đã có sẵn bộ máy, họ chỉ cần cử một nhóm cán bộ để cùng chia sẻ công tác quản trị điều hành, tìm kiếm nguồn vốn, hệ sinh thái, đào tạo cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong khoảng 2-3 năm, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp “khỏe mạnh”, phát triển tốt thì tiếp tục tìm kiếm lớp kế cận khác. Cùng với, các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thành công thì nên quay ngược lại hỗ trợ các “đàn em” trong kinh doanh khởi nghiệp.
Với những hoạt động mang tính gối đầu như thế thì hàng năm sẽ có hàng trăm đến vài nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ, giúp mục tiêu cả nước có 1,3-1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 thành hiện thực. Tuy nhiên, để có những doanh nghiệp chất lượng và bền vững, các định chế tài chính, tổ chức tín dụng nên có nguồn vốn ưu đãi, trích lập thành các quỹ đầu tư hỗ trợ cho khởi nghiệp, việc vay vốn này có thể thông qua các hiệp hội để cùng thẩm định các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp có tính khả thi, với các điều kiện cho vay phải thông thoáng hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: haiquanonline.com.vn