EVFTA tiếp tục được tận dụng hiệu quả

Đã có gần 4,8 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu đi 27 nước EU được các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 để hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Thủy sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn từ EVFTA

Thủy sản là một trong những mặt hàng được hưởng lợi lớn từ EVFTA.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết, tính từ ngày 1/8/2020 (ngày EVFTA có hiệu lực) đến đầu tháng 4 năm 2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử… Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Nhìn vào số liệu thống kê cho thấy, quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt mức tăng 18% (tăng tương ứng 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,932 tỷ USD. Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 quan trọng của Việt Nam, thị trường EU được nhiều ngành hàng lớn đẩy mạnh xuất khẩu để khai thác tối đa cơ hội từ EVFTA .

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA được quy định tại thông tư 11 của Bộ Công Thương ban hành vào ngày 15/6/2020. Thông tư này quy định rất cụ thể, rõ ràng hàng hóa phải đảm bảo những tiêu chí gì để được xem như đáp ứng tiêu chí của EVFTA.

EVFTA hiện cho phép áp dụng cơ chế cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) (C/O mẫu EUR.1) và cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tại Việt Nam, thời điểm áp dụng tự chứng nhận xuất xứ do nội luật quy định. Trước khi áp dụng cơ chế này, Việt Nam sẽ thông báo tới EU và ban hành hướng dẫn trong nước. Cơ chế xác minh xuất xứ trong Hiệp định EVFTA là cơ chế xác minh giữa cơ quan chính phủ và cơ quan chính phủ (G to G), thời gian hai bên phối hợp thực hiện xác minh xuất xứ hồ sơ giấy là 10 tháng.

fd

Quý 1/2021, xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt mức tăng 18% (tăng tương ứng 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong trường hợp nước nhập khẩu liên tục phát hiện gian lận xuất xứ hàng hóa hoặc nước xuất khẩu thiếu hợp tác, không cho nước nhập khẩu kiểm tra xác minh xuất xứ tại cơ sở sản xuất, hai bên cùng bàn biện pháp khắc phục. Sau 30 ngày không đạt được đồng thuận, vụ việc được đưa lên Ủy ban thực thi Hiệp định và sau 60 ngày không đạt được biện pháp giải quyết, bên nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm dừng ưu đãi. Thời gian áp dụng tạm dừng ưu đãi là 3 tháng và có thể gia hạn thêm 3 tháng. Hiện nay, EU vẫn dành cho Việt Nam cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Không chỉ với riêng EVFTA, việc khai thác các hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những tích cực, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường.

Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% -34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam.

Để mời gọi nhà đầu tư EU, đại diện EuroCham tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần hài hòa hóa về thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp châu Âu sang Việt Nam đầu tư lần đầu, hoặc mở rộng đầu tư. Nếu chuẩn hóa được các vấn đề này, các doanh nghiệp EU có thể sang Việt Nam đầu tư và biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thiết bị y tế, dược phẩm hàng đầu thế giới.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM