(VTC News) – Việt Nam là câu chuyện thành công về kinh tế hiếm hoi của Đông Nam Á trong năm 2020 với mức tăng trưởng ổn định trong khi các quốc gia khác phải vật lộn phục hồi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam nằm trong số hiếm hoi các nước trên thế giới vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương 2,91% trong năm 2020.
Dù là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây, nhưng chúng ta vẫn nằm trong nhóm các nước tăng trưởng tốt nhất thế giới.
Đây là thành quá đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới phải đối đầu với khủng hoảng dịch bệnh vốn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, làm đình trệ thương mại toàn cầu.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả lạc quan là do Việt Nam đã thành công trong việc đối phó với dịch COVID-19. Việc kiểm soát dịch nhanh, hiệu quả giúp sớm nối lại các hoạt động sản xuất, giảm tỷ lệ mất việc làm và duy trì chi tiêu của người tiêu dùng.
Dù căng mình chống dịch suốt một năm qua, kinh tế Myanmar vẫn giữ được mức tăng trưởng dương 2,4% trong năm 2020.
Theo báo cáo Ngân hàng thế giới (WB), nhờ nỗ lực thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bảo hiểm cũng như xây dựng cùng hiệu quả từ việc cải cách thị trường, kinh tế Myanmar vẫn ở mức “đỏ” trong một năm dịch bệnh hoành hành.
Thống kê của Statista cho thấy tăng trưởng của Brunei trong năm 2020 là 1.9%.
Một trong những nguyên nhân khiến Brunei tăng trưởng dương trong năm nay là nước này đối phó với dịch bệnh khá tốt.
Tới nay, Brunei mới chỉ nhận 179 ca bệnh và 3 người chết vì dịch, 153 người đã hồi phục.
Theo trang thống kê Statista, cùng với Việt Nam, Myanmar, Brunei, Lào nằm trong nhóm trong bốn quốc gia ASEAN có mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Mức tăng GDP của Lào năm qua là 1.3%.
Bất chấp tác động của đại dịch, chính phủ Lào vẫn đang tin tưởng một số dự án trọng điểm của nước này như đường sắt Lào-Trung, đường cao tốc Vientiane-Vangvieng sẽ không bị ảnh hưởng tới tiến độ và đóng góp vào mức tăng trưởng của quốc gia này.
Trong năm 2020, Philippines chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng GDP lên tới hơn 8,3%, trở thành nền kinh tế mức sụt giảm tăng trưởng mạnh nhất ASEAN. Việc Philippines áp đặt một trong những đợt phong tỏa lâu nhất thế giới vào đầu năm nay đẩy nền kinh tế nước này rơi vào cuộc suy thoái đầu tiên trong gần 30 năm vào quý II/2020.
Chỉ riêng 3 quý đầu năm, Philippines – vùng dịch lớn thứ hai ASEAN ghi nhận mức giảm 10% do đóng cửa ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Việc liên tục phải áp đặt các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại do chưa thể kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh đánh mạnh vào các hoạt động tiêu dùng và kinh doanh cũng như ngành du lịch nội địa.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, GDP Thái Lan giảm 7,1% năm 2020 do tác động của đại dịch.
Các hạn chế đi lại đã ảnh hưởng nặng nề tới ngành du lịch chiếm tới 12% GDP của Thái Lan. Việc COVID-19 tái bùng phát và bất ổn chính trị do biểu tình từ hồi tháng 7 khiến Thái Lan gặp nhiều rào cản trong việc hồi sinh nền kinh tế.
Malaysia ghi nhận mức sụt giảm tăng trưởng mạnh thứ ba ở ASEAN trong năm 2020 khi GDP giảm 6%.
Cũng như các quốc gia khác trong khu vực, kinh tế Malaysia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19.
Đặc biệt, trong quý 2/2020, nền kinh tế Malaysia trải qua đợt suy thoái tồi tệ nhất trong hơn 20 năm qua. Đây cũng là mức giảm sâu nhất của quốc gia này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998.
Các hạn chế chống dịch khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và buộc người dân ở nhà ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng. Các biện pháp kiểm soát biên giới ngặt nghèo cũng tước đi lượng du khách đáng kể của quốc gia này.
Mức giảm GDP 5,8% trong năm 2020 của Singapore là kết quả tăng trưởng kém nhất của quốc đảo sư tử kể từ năm 1965. Kỷ lục được ghi nhận trước đó là 2,2%, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Là một quốc gia nhỏ và phụ thuộc lớn vào nhu cầu từ nước ngoài, Singapore chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch. Dù đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, nhưng một ngành như thương mại, ăn uống và du lịch của Singapore vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề.
Với Indonesia, GDP của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 1,1% trong năm 2020.
Ông Piter Abdullah – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cải cách Kinh tế Indonesia cảnh báo tăng trưởng của Indonesia sẽ tiếp tục ở mức âm nếu quốc gia này không thể đối phó được dịch bệnh. Bởi còn dịch thì tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư vẫn sẽ luôn dưới mức trung bình, không thể kích thích nền kinh tế đi lên.
Indonesia hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á với hơn 800.000 ca mắc COVID-19 và gần 24.000 người thiệt mạng.
Với Campuchia, GDP nước này trong năm 2020 giảm 1% do ảnh hưởng của đại dịch. COVID-19 tước đi hàng loạt việc làm, khiến thu nhập của các hộ gia đình giảm, đồng nghĩa với tình trạng nghèo khổ gia tăng.
Triển vọng kinh tế Campuchia vẫn còn khá mít mờ khi lượng du khách nước ngoài tới quốc gia này vẫn đang giảm mạnh vì dịch bệnh. Cùng với đó là căng thẳng thương mại toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.
Nguồn: https://vtc.vn/gdp-viet-nam-va-cac-nuoc-asean-thay-doi-the-nao-trong-nam-2020-ar589911.html