TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khoá XV, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ về văn hoá, nhân văn là những giá trị giúp doanh nghiệp vững bước phát triển.
– Thưa ông, những tiêu chí về giá trị văn hoá, giá trị nhân văn của doanh nghiệp cũng có sự phát triển, theo thời gian?
Doanh nghiệp không huỷ hoại môi trường, không kinh doanh ngắn hạn, có trách nhiệm cộng đồng chính là những giá trị cao nhất của doanh nghiệp trong thời đại này. Cách quảng bá tốt nhất cho doanh nghiệp chính là giá trị văn hoá, nhân văn. Đây là hình ảnh cao quý của một doanh nghiệp, doanh nhân được xã hội tôn trọng, kính nể và yêu quý.
Hiện nay chúng ta nói nhiều đến chuyển đổi số, công nghệ số hay cuộc cách mạng 4.0, người ta dường như nói rất nhiều đến mặt công nghệ của nền kinh tế, công nghệ của xã hội hay công nghệ của doanh nghiệp. Nhưng lại không hiểu rằng, điều quan trọng nhất cùng với khía cạnh công nghiệp được cải thiện thì khía cạnh nhân văn cũng phải được đề cao.
Chính những vấn đề hiện nay trong nền kinh tế toàn cầu, những xung đột, hay quá trình toàn cầu hoá bị chậm lại, chủ nghĩa dân tộc nổi lên… đều xuất phát từ nền tảng văn hoá.
– Vấn đề văn hoá, nhân văn sẽ đóng vai trò như thế nào để giúp doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua giai đoan khó khăn hiện nay, thưa ông?
Đã có một thời gian, môi trường kinh doanh hay tâm thức xã hội đều hướng về doanh nhân, như tôi từng đưa ra thông điệp: “Doanh nhân là người lính thời bình”. Tất cả những lời tụng ca tập trung vào doanh nhân.
Còn tại thời điểm này, khi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang bộc lộ những vấn đề và có một số ít doanh nghiệp, doanh nhân rơi vào “vòng lao lý”, thì cũng vẫn cần một góc nhìn, cách nhìn bao dung hơn đối với đội ngũ doanh nhân.
Doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là “ngôi sao” hy vọng của nền kinh tế, họ vẫn là những “chiến sỹ thời bình”. Chính họ là những người thúc đẩy sự phát triển của đất nước này.
Bởi suy cho cùng, đất nước có phát triển hay không-tất nhiên trên cơ sở nền tảng văn hoá thì ai cũng hiểu, nhưng vấn đề là phải có sức mạnh kinh tế. Doanh nghiệp, doanh nhân vẫn là những người xây dựng lên nền kinh tế đất nước.
Cho nên, khi các doanh nghiệp, doanh nhân xảy ra như vậy thì cũng có những người đánh giá doanh nhân với một góc nhìn khác. Họ “dè chừng” hơn, thậm chí nhìn doanh nhân nào cũng có vấn đề.
– Vậy theo ông nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo tôi cách nhìn về doanh nhân cần phải thay đổi, vì một số doanh nhân làm trái pháp luật cũng chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Còn phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang là động lực cho sự phát triển của xã hội.
Một mặt, chúng ta cần xét xử nghiêm minh đối với những doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm pháp luật, có hành vi trục lợi hay lừa dối người tiêu dùng, lừa dối xã hội. Nhưng bên cạnh đó thì cũng phải có cách nhìn bao dung hơn với đội ngũ doanh nhân.
Doanh nhân có thể bị xử lý theo pháp luật, nhưng doanh nghiệp thì vẫn là tài sản của đất nước, thương hiệu doanh nghiệp vẫn là tài sản của đất nước, phía sau doanh nghiệp là những nhà đầu tư cùng với hàng chục vạn người lao động, khách hàng, đối tác… đó là cả một chuỗi giá trị, hệ sinh thái.
Cần hơn bảo vệ các doanh nghiệp ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, bằng sự cảm thông, chia sẻ, bao dung của công luận. Đồng thời, cần có sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn nhà nước có thể “đưa tay” ra đỡ bằng cách hỗ trợ trong phạm vi có thể để giúp doanh nghiệp tái cấu trúc, quay trở lại sản xuất, chuyển hướng sản xuất kinh doanh…
Ở các nước, khi doanh nghiệp bị rơi vào tình trạng thua lỗ hay gặp khó khăn, nhà nước có thể mua lại nhằm khôi phục, tái cấu trúc sau đó bán lại cho tư nhân.
Chúng ta hãy bảo vệ những giá trị đó để giúp doanh nghiệp “lột xác” tiếp tục phát triển. Bởi đây là cả một chuỗi cung ứng, liên quan đến lợi ích của cả nền kinh tế, từ các nhà đầu tư cho đến người lao động hay bạn hàng. Đặc biệt, đây cũng là uy tín của Việt Nam.
Vì nếu các doanh nghiệp của chúng ta không trụ vững thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào mua lại. Thực tế, hiện nay đang có rất nhiều thương hiệu của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài mua lại.
Tất nhiên, việc mua bán hay sáp nhập cũng là chuyện bình thường. Nhưng để 10-15 năm sau các thương hiệu hay doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều bị nước ngoài mua lại thì đây là vấn đề rất đau sót.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Việt (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
https://diendandoanhnghiep.vn/gia-tri-cot-loi-cua-doanh-nghiep-229844.html