Năm 2021 thực sự là năm “lửa thử vàng” đối với doanh nghiệp (DN) khi vừa chống chọi với dịch bệnh Covid – 19 vừa nỗ hoàn thành mục tiêu sản xuất kinh doanh đề ra. Trên cơ sở nhận thức rõ nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp DN chống chọi được với sức ép từ bên trong cũng như các thách thức, biến động lớn từ bên ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, hỗ trợ thiết lập các nền tảng trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa DN vững bền. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi ngắn với bà Vũ Thị Thu Hà – Giám đốc VCCI Vũng Tàu, một trong những đơn vị đã gặt hái nhiều thành công trong công tác này. Văn Lượng thực hiện.
Đặt trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, năm 2021 thực sự là một năm nhiều khó khăn đối với VCCI Vũng Tàu trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung. Vậy Chi nhánh đã có những nỗ lực cụ thể nào nhằm vượt khó đi lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?
Cùng với cả nước, sự bùng phát mạnh mẽ của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bị ảnh hưởng nặng nề. Tình hình sản xuất kinh doanh ở hầu hết các nhóm ngành đều gặp khó khăn; số DN thành lập mới giảm đáng kể trong khi số DN phải dừng kinh doanh hoặc giải thể tăng hơn 35%. Trong bối cảnh đó, việc chia sẻ khó khăn và tìm các biện pháp hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh là mối quan tâm hàng đầu của VCCI Vũng Tàu. Ngoài các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ và của tỉnh, Chi nhánh còn chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hướng đến mục tiêu chung là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng DN ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh.
Cụ thể trong năm qua, VCCI Vũng Tàu triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo tỉnh những chính sách hỗ trợ đội ngũ doanh nhân, DN một cách thiết thực, hiệu quả. Tham mưu và phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội nghị trực tuyến đối thoại, gặp gỡ các hiệp hội DN, nhà đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh nhằm đồng hành hành động cùng DN tháo gỡ các khó khăn, nút thắt về cơ chế, chính sách; giải quyết nhanh chóng thủ tục hưởng các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ; tăng cường cải cách hành chính; công khai, minh bạch các nguồn lực và việc phân bổ các nguồn lực, nhất là việc tiêm vaccine theo lộ trình – một phần rất quan trọng để khôi phục và phát triển kinh tế.
Thực hiện chương trình xây dựng và phổ biến pháp luật, chính sách về kinh doanh, trong năm Chi nhánh đã tổ chức 14 hội thảo, lớp tập huấn trực tiếp và online cho khoảng 1.200 lượt DN; qua đó giới thiệu các chế độ chính sách mới có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giúp DN nắm bắt kịp thời và chủ động đưa ra các định hướng phát triển phù hợp.
Xác định liên kết cộng đồng DN đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở rộng quan hệ hợp tác, góp phần xây dựng thương hiệu về sản phẩm, uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, chính vì vậy công tác vận động chính trị đối với DN, doanh nhân luôn được VCCI Vũng Tàu thực hiện sâu rộng; hoạt động tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước không ngừng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra Chi nhánh còn tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp và online cho DN, doanh nhân; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành với cộng đồng DN để lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất cho DN phát triển. Đặc biệt để tôn vinh và khuyến khích tinh thần vượt khó của DN, Chi nhánh đã phối hợp với Ban Thi đua khen thưởng tỉnh tổ chức tốt các hoạt động bình chọn, đề xuất UBND tỉnh khen thưởng và tôn vinh kịp thời các DN, doanh nhân đã có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.
Xúc tiến thương mại là một hoạt động rất quan trọng trong quá trình kinh doanh của DN song thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19 khiến DN Việt Nam nói chung – khu vực Đông Nam bộ nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, VCCI Vũng Tàu đã tăng cường các chương trình hỗ trợ DN hội nhập với các hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, giới thiệu về hội nhập, hỗ trợ DN vượt qua rào cản thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các DN tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu qua hình thức online, tham gia các hội chợ triển lãm từ xa thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số; tích cực hỗ trợ các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội cung ứng hàng hóa; duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa và quốc tế. Nội dung và phương pháp xúc tiến thương mại đầu tư luôn được Chi nhánh đổi mới, chú trọng lựa chọn những DN có năng lực để xúc tiến với các tập đoàn đa quốc gia và các công ty của nước ngoài; thực hiện xúc tiến tổng hợp về kinh tế, thương mại…gắn kết DNNVV với các DN lớn, áp dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả xúc tiến.
Có thể nói 2021 là một năm nhiều khó khăn, thách thức đối với VCCI Vũng Tàu trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung. Tuy nhiên được sự chỉ đạo và hỗ trợ sâu sát của VCCI và UBND tỉnh; sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan ban ngành, cộng đồng DN, hội viên trên địa bàn…, tập thể cán bộ công chức VCCI Vũng Tàu đã chủ động vượt qua thách thức, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao tầm ảnh hưởng cũng như vai trò của VCCI Vũng Tàu tại khu vực được giao phụ trách, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Chi nhánh đều hoàn thành đạt kế hoạch đề ra, ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong địa bàn phụ trách. Ghi nhận thành tích nổi bật này, năm 2021 VCCI Vũng Tàu vinh dự được nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh.
Văn hóa kinh doanh chính là “phần hồn” của DN, là giá trị cốt lõi và là nền tảng của quản trị DN, tạo nên thương hiệu của các DN. Vậy thời gian qua VCCI nói chung – VCCI Vũng Tàu nói riêng chú trọng ra sao đến vấn đề hỗ trợ thiết lập các nền tảng trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa DN?
Văn hoá kinh doanh là toàn bộ giá trị văn hoá được gầy dựng nên trong suốt chiều dài phát triển của một DN, từ đó trở thành quy tắc, tập quán, thậm chí là phương thức hoạt động của DN. Thực tế xây dựng và phát triển thương hiệu của các DN cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa kinh doanh. Chính văn hóa kinh doanh là hồn cốt của DN, là ngọn hải đăng soi đường dẫn lối cho DN đi; đồng thời cũng là nét đặc thù riêng, tạo nên sự khác biệt không lẫn vào đâu giữa DN này với DN khác.
Trên cơ sở quan hệ mật thiết, việc xây dựng văn hóa kinh doanh và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam được xem là hai công cuộc đồng bộ và bổ trợ cho nhau. Văn hóa kinh doanh là kim chỉ nam cho cộng đồng DN và doanh nhân là tác nhân hình thành nên văn hóa doanh nhân; xây dựng văn hóa kinh doanh góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra
Nhận thức rõ điều này, những năm qua VCCI nói chung – VCCI Vũng Tàu nói riêng luôn dành ưu tiên hàng đầu cho việc hỗ trợ thiết lập các nền tảng trong dựng xây văn hóa kinh doanh, văn hóa DN; tuyên truyền, vận động DN gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa kinh doanh…Đồng hành nâng cao nhận thức cho các DN, chủ DN, nhất là các DNNVV về vai trò, sự cần thiết của việc xây dựng văn hóa DN trong mục tiêu phát triển DN bền vững; đồng thời cùng với cộng đồng DN triển khai xây dựng mô hình văn hóa DN, đặc biệt là xây dựng mô hình văn hóa DN bản sắc Việt Nam.
Tổ chức các hội thảo, các chương trình đào tạo, tham quan học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng văn hóa DN; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành cho cộng đồng DN. Hỗ trợ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của DN, trong đó chú trọng đổi mới sáng tạo mô hình văn hóa DN đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Phát động phong trào xây dựng DN theo chuẩn mực mới về văn hóa, hàng năm tiến hành xem xét, đánh giá và bình chọn các DN tiêu biểu để tôn vinh, khích lệ nhằm cổ vũ, lan tỏa rộng phong trào trong cộng đồng DN. Song song đó VCCI nói chung – VCCI Vũng Tàu nói riêng cũng luôn ưu tiên đưa các nội dung liên quan tới thúc đẩy xây dựng văn hóa DN vào phương hướng hoạt động cũng như kế hoạch công tác ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án và nhiệm vụ cụ thể về thúc đẩy xây dựng văn hóa DN.
Với nỗ lực không mệt mỏi, những đóng góp của VCCI nói chung – VCCI Vũng Tàu nói riêng trong vấn đề phát triển văn hóa kinh doanh đã được cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Đây thực sự là niềm khích lệ, động viên to lớn để chúng tôi càng vững bước hơn trong hành trình đồng hành cùng DN dựng xây và phát triển văn hóa kinh doanh, góp phần tô đậm hơn cho văn hóa của cộng đồng doanh nhân, DN Việt Nam.
Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã xác định rất rõ tầm quan trọng của văn hóa. Với cộng đồng DN, xây dựng văn hóa kinh doanh phải xứng tầm phát triển, truyền thống văn hóa – lịch sử của đất nước. Để làm được điều này, theo bà cần những sự chấn chỉnh, đổi mới ra sao từ phía Đảng, Nhà nước, VCCI cũng như từ chính bản thân DN
Dịch bệnh Covid-19 với phạm vi ảnh hưởng toàn cầu giống như một phép thử đối với DN. Ngay cả những thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”, sự tồn tại và phát triển của DN vẫn dựa trên sự vững mạnh của văn hoá kinh doanh. Nói cách khác nền tảng văn hóa kinh doanh vững chắc sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp DN chống chọi được với sức ép từ bên trong cũng như các thách thức, biến động lớn từ bên ngoài. Với ý nghĩa đó, việc lựa chọn xây dựng và xác lập văn hóa kinh doanh vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là nhiệm vụ đột phá đặt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng. Nhân đây tôi cũng tha thiết kêu gọi các DN hãy tự nguyện, tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh của DN mình xứng tầm với sự phát triển của đất nước cũng như yêu cầu của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2026), VCCI cũng đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và 3 đột phá; trong đó ưu tiên hàng đầu là tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa DN và văn hóa của doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của DN. Để làm tốt điều này, thiết nghĩ VCCI nên có một Bộ quy tắc ứng xử với các quy định mang tính ràng buộc đối với DN; cùng với đó là các giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ nhằm bảo vệ uy tín của đội ngũ doanh nhân cũng như giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam đối với xã hội và trên thế giới
Về phía Đảng, Nhà nước cần có các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng nên hệ giá trị của văn hóa kinh doanh Việt Nam; qua đó đặt những viên gạch nền móng cho phát triển một đội ngũ doanh nhân vững mạnh, có tâm, có tầm, có trí tuệ, bản lĩnh và chuẩn mực văn hóa. Chính văn hóa kinh doanh sẽ tạo ra sức mạnh “mềm” của DN và cũng góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.
Xin chân thành cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum