PHÒNG THƯƠNG MẠI Số: 1952 /PTM-PC
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2019 |
Kính gửi: Cục Tin học hoá
Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 1930/BTTTT-THH ngày 18/06/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Chia sẻ dữ liệu số mặc định
Điều 6.1 của Dự thảo về chia sẻ dữ liệu số mặc định đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 chỉ cho phép chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, còn phương án 2 thì cho phép chia sẻ dữ liệu cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua giao diện lập trình và cơ chế đăng ký tài khoản.
Hiện nay, một số cơ sở dữ liệu cũng đã được chia sẻ theo cơ chế mặc định cho các doanh nghiệp và mang lại nhiều tác động tích cực. Ví dụ, dữ liệu về lịch sử tín dụng được chia sẻ cho các ngân hàng giúp đánh giá khả năng vay và trả nợ của khách hàng. Hiện có quy định rất rõ ràng về trình tự thủ tục và trách nhiệm trong việc cung cấp và bảo mật thông tin nên chưa có phát sinh hiện tượng thông tin cá nhân của khách hàng bị lộ lọt.
Một số ví dụ khác là các đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng giao dịch mua bán tài sản hiện đang có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp cận cơ sở dữ liệu về đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất. Nếu cơ quan quản lý nhà nước về đất đai có thể cung cấp thông tin này cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công chứng thì sẽ làm tăng hiệu quả, tính chính xác của hoạt động công chứng lên rất cao. Các đơn vị này đều thuộc diện được cấp phép và chịu sự quản lý rất chặt của cơ quan nhà nước. Chỉ cần có quy định đủ rõ ràng và chặt chẽ về việc bảo mật thông tin thì việc chia sẻ thông tin cho các đơn vị công chứng sẽ an toàn.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2 tại Điều 6.1 của Dự thảo, tức là cho phép các cá nhân, tổ chức khác ngoài các cơ quan nhà nước được chia sẻ dữ liệu số mặc định. Các quy định cụ thể về đối tượng được tiếp cận, trách nhiệm bảo mật sẽ được quy định cụ thể tại Quy chế chia sẻ dữ liệu số.
- Danh sách các cơ sở dữ liệu thuộc Bộ ngành địa phương quản lý
Điều 11 của Dự thảo yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải ban hành, cập nhật danh sách các cơ sở liệu thuộc Bộ ngành, địa phương quản lý. Việc ban hành, công bố danh sách này là cần thiết, song chưa đủ để có thể làm tiền đề cho việc chia sẻ và tránh trùng lặp trong thu thập thông tin. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu cơ chế như sau:
- Các Bộ ngành, địa phương phải công bố Danh sách các cơ sở dữ liệu mà mình quản lý. Thời hạn công bố chậm nhất là 60 ngày kể từ khi Nghị định này có hiệu lực. Việc đặt ra thời hạn phải ban hành và công bố sẽ bảo đảm tốt hơn việc thực thi của các cơ quan hiện đang quản lý dữ liệu.
- Nội dung công bố của mỗi cơ sở dữ liệu gồm: (1) Tên cơ sở dữ liêu; (2) miêu tả cơ sở dữ liệu đó (metadata); (3) cơ chế thu thập, cập nhật, nguồn đầu vào của cơ sở dữ liệu đó; và (4) đề xuất nội dung nào để ở chế độ mở, nội dung nào ở chế độ chia sẻ mặc định, nội dung nào chia sẻ theo thoả thuận, nội dung nào không chia sẻ.
- Toàn bộ các Danh sách các cơ sở dữ liệu này cùng với các nội dung công bố đi kèm được Bộ TTTT tập hợp thành một Danh sách chung của toàn quốc. Việc tập hợp danh sách chung này sẽ giúp các cơ quan biết được cơ quan khác có dữ liệu gì và mình có thể được chia sẻ hay không, đồng thời đánh giá được mức độ trùng lặp về giữa các cơ sở dữ liệu để tiến tới cắt giảm việc thu thập thông tin.
- Dựa trên Danh sách chung toàn quốc này, Bộ TTTT, các cơ quan, tổ chức khác đánh giá sự trùng lặp của các cơ sở dữ liệu và kiến nghị cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định việc chia sẻ dữ liệu và dừng thu thập những dữ liệu có sự trùng lặp.
- Trước khi mỗi cơ quan nhà nước dự định xây dựng một cơ sở dữ liệu mới thì phải tham khảo Danh sách các cơ sở dữ liệu chung toàn quốc và đánh giá tính không trùng lặp với các cơ sở dữ liệu đã có. Trong trường hợp có sự trùng lặp thì cơ quan đó phải kết nối với cơ quan đang quản lý dữ liệu để nhận chia sẻ chứ không được phép thu thập, thiết lập cơ sở dữ liệu mới.
- Cơ chế bảo đảm thực thi
Dự thảo đưa ra khá nhiều các nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước trong việc phải công bố Danh sách cơ sở dữ liệu do mình quản lý, ban hành và công bố Quy chế chia sẻ dữ liệu số, xây dựng và thực thi kế hoạch dữ liệu mở,… nhằm hướng đến khả năng chia sẻ dữ liệu tối đa trong các cơ quan nhà nước. Đây là việc rất cần thiết giúp tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và giảm chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều chính sách khác cho thấy, nếu chỉ có quy định nghĩa vụ cho các cơ quan nhà nước mà không đi kèm với cơ chế bảo đảm thực thi thì nhiều trường hợp cơ quan nhà nước không thực hiện nghĩa vụ, hoặc thực hiện một cách qua loa, chiếu lệ, đối phó mà không đạt được hiệu quả mong muốn. Do đó, dự thảo nên bổ sung thêm một số quy định mang tính bảo đảm thực thi, có thể cân nhắc một số quy định như sau:
- Đưa ra thời hạn mà các cơ quan quản lý dữ liệu phải thực hiện các nghĩa vụ ban hành các danh sách, quy chế, kế hoạch…
- Việc thực hiện các nghĩa vụ này phải được báo cáo về cho đầu mối tại Bộ TTTT để giám sát việc thực hiện.
- Bộ TTTT tiến hành tổng hợp, báo cáo Chính phủ và công khai báo cáo về việc thực hiện các nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Ban Thường trực (để báo cáo); – VPCP, BTP – BTTTT (Vụ Pháp chế) – Lưu VP (TH,VT), PC. |
TL. CHỦ TỊCH TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ
(đã ký) Đậu Anh Tuấn |
Tài liệu liên quan