Trả lời Công văn số 164/TANDTC-HTQT của Tòa án nhân dân tối cao về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài tại tòa án cấp sơ thẩm (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Về phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (Điều 2)
Điểm a khoản 1 Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành ở Việt Nam khi “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”. Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài “được xác định theo quy định của Luật trọng tài thương mại của Việt Nam” (khoản 3 Điều 424 Bộ luật tố tụng dân sự).
Để hướng dẫn thi hành quy định trên điểm c khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định một trong những điều kiện để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là “Địa điểm Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ của Việt Nam và trên lãnh thổ của một trong các nước thành viên Công ước Niu-oóc của Liên hợp quốc năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài”. Theo quy định này thì phán quyết của trọng tài nước ngoài phụ thuộc vào địa điểm Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp.
Quy định này dường như chưa phù hợp với quy định tại Luật Trọng tài thương mại về phán quyết của trọng tài nước ngoài. Bởi vì, theo quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại “trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”, “Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn”. Như vậy, phán quyết của trọng tài nước ngoài không phụ thuộc vào địa điểm của Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà phụ thuộc vào việc tổ chức trọng tài là trong nước hay nước ngoài ban hành phán quyết đó.
Để đảm bảo tính thống nhất của quy định đề nghị Ban soạn thảohoặc bỏ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Dự thảo hoặc điều chỉnh quy định này để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại về phán quyết của trọng tài nước ngoài.
- Về hồ sơ yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 7)
Khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam không phân biệt hồ sơ đó được gửi thông qua Bộ Tư pháp theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo quy định này, trong mọi trường hợp người yêu cầu phải gửi hồ sơ tới Tòa án.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 451 Bộ luật tố tụng dân sự thì phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định hay không/không có điều ước quốc tế liên quan để xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ của người yêu cầu (Bộ Tư pháp Việt Nam theo quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên không quy định hoặc không có điều ước quốc tế liên quan).
Như vậy, quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp với quy định tại Điều 451 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 7.
- Về tòa án có thẩm quyền xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 8)
Điều 8 Dự thảo hướng dẫn các trường hợp xác định thẩm quyền Tòa án xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài căn cứ vào địa chỉ hoặctài sản (động sản hoặc bất động sản) của người phải thi hành. Tuy nhiên, hướng dẫn tại Điều 8 vẫn chưa bao quát được hết các trường hợp để xác định thẩm quyền của Tòa án, ví dụ:
- Nếu người yêu cầu không biết địa chỉ (nơi cư trú, làm việc, trụ sở, chi nhánh) và nơi có tài sản của người phải thi hành. Trường hợp này xác định tòa án nào sẽ có thẩm quyền giải quyết?
- Nếu người yêu cầu đã nộp đơn đề nghị Tòa án nơi có một trong các động sản của người phải thi hành tuy nhiên, sau khi Tòa án thụ lý thì động sản đó đã được di chuyển sang địa phương khác. Lúc này Tòa án đã thụ lý đơn sẽ tiếp tục giải quyết hay chuyển cho Tòa án ở địa phương khác?
Để đảm bảo thuận lợi trong quá trình thực thi, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn cụ thể các trường hợp trên.
- Về thông báo nộp lệ phí yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài (Điều 9)
Theo quy định tại Điều 9, 10 Dự thảo thì khi thấy đủ điều kiện thụ lý đơn, Tòa án thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí “trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí” (Điều 9) và Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp biên lai thu tiền lệ phí (Điều 10). Như vậy, thời điểm Tòa án thụ lý đơn có thể sẽ sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và hồ sơ của người yêu cầu.
Điều 455 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, giấy tờ, tài liệu kèm theo do người có đơn yêu cầu gửi đến, Tòa án có thẩm quyền xem xét, thụ lý.
Như vậy, quy định tại Dự thảo là chưa phù hợp với Điều 455 Bộ luật tố tụng dân sự về thời điểm thụ lý đơn, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.
- Về hình thức của thỏa thuận trọng tài (điểm d khoản 1 Điều 16)
Dự thảo hướng dẫn “Thỏa thuận trọng tài giữa các bên phải được xác lập bằng văn bản giấy hoặc dưới hình thức dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác”. Quy định này là chưa bao quát được hết các trường hợp thể hiện hình thức của thỏa thuận trọng tài và chi tiết như quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại. Với tính chất là văn bản hướng dẫn thực hiện, Dự thảo cần hướng dẫn chi tiết hơn về cách hiểu của các dạng được xem là thỏa thuận bằng hình thức văn bản được quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại (ví dụ: thỏa thuận trọng tài lập bằng văn bản và trên hình thức văn bản chưa có đầy đủ chữ ký của cả hai bên nhưng bằng hành vi thực tế hoặc bằng việc xác nhận qua email, fax, bên chưa ký trên văn bản đã thể hiện ý chí đồng ý với điều khoản trọng tài thì đây có được xem là thỏa thuận trọng tài bằng văn bản như quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại không? …).
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi lại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 16 theo hướng cụ thể, chi tiết hơn.
- Về căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 17)
- Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Dự thảo thì “Hội đồng trọng tài đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc xét xử công bằng, khách quan trong khi giải quyết tranh chấp” được xem là “nguyên nhân chính đáng khác làm cho người phải thi hành không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình”. Khái niệm “nguyên tắc xét xử công bằng, khách quan trong khi giải quyết tranh chấp” là chưa đủ rõ, có thể khiến việc tòa án tùy nghi khi đánh giá việc giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài.
Trên thực tế, khi xét xử để công nhận hoặc không công nhận, thi hành phán quyết trọng tài, một số tòa án tại Việt Nam đã không đưa các nhận định về việc thực hiện quyền tố tụng của các bên trọng quá trình xét xử của Hội đồng trọng tài mà lại nhận định về các nội dung tranh chấp trong phán quyết trọng tài để nhận định Hội đồng trọng tài có khách quan, công bằng không và xem đây là căn cứ để chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Để đảm bảo thống nhất chung về cách hiểu, đề nghị Ban soạn thảo hướng dẫn chi tiết, chính xác về nguyên tắc xét xử công bằng, khách quan trong khi giải quyết tranh chấp, có thể tham khảo nguyên tắc xét xử công bằng theo Luật Mẫu về trọng tài của UNCITRAL “các bên phải được đối xử bình đẳng và được trao cho tất cả các cơ hội để trình bày vụ việc của mình”.
- Về ví dụ 1 khoản 2: Dự thảo nêu ví dụ về việc văn bản thông báo về việc chỉ định trọng tài viên, về thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài được gửi theo kênh tống đạt chính thức quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ này là chưa phù hợp và mâu thuẫn với chính quy định trong Điều 17 Dự thảo. Bởi, theo hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 17 Dự thảo thì các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự, Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại mà Việt Nam là thành viên không điều chỉnh thủ tục tống đạt, thông báo văn bản của trọng tài.
Mặt khác, ví dụ trên chưa rõ ràng ở các khái niệm: như thế nào được cho là tống đạt thông báo theo kênh các điều ước quốc tế bị từ chối thực hiện?
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo bỏ ví dụ 1.
- Về ví dụ 2 khoản 2 liên quan đến việc gửi và tìm kiểm địa chỉ của bị đơn
Dự thảo nêu ví dụ “theo quy định của thủ tục tố tụng trọng tài, thì Hội đồng trọng tài phải thực hiện những nỗ lực cần thiết để tìm kiếm địa chỉ của bị đơn (người phải thi hành) sau khi tống đạt lần thứ nhất không thực hiện được do địa chỉ của bị đơn không đúng, không đủ chi tiết hoặc bị đơn đã chuyển đến địa chỉ mới nhưng không rõ địa chỉ mới”.
Theo khoản 2 Điều 12 Luật Trọng tài thương mại thì các thông báo, tài liệu mà Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo. Luật Trọng tài thương mại không có quy định về việc Hội đồng trọng tài phải nỗ lực cần thiết để tìm kiếm địa chỉ của bị đơn. Mặt khác, theo phản ánh của một số Trung tâm trọng tài thì trọng tài là tài phán tư, không có công cụ, quyền hạn cần thiết giống như Tòa án để nỗ lực tìm địa chỉ của bị đơn, đặc biệt đối với hội đồng trọng tài quốc tế. Hơn nữa, khái niệm “nỗ lực cần thiết” khá chung chung và mơ hồ, rất dễ trao quyền suy đoán cho các cán bộ tòa án.
Tư những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ ví dụ 2.
- Về ví dụ 1 khoản 4:
Dự thảo hướng dẫn “Hội đồng trọng tài không cho phép người phải thi hành cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng lại cho phép bên tranh chấp còn lại thực hiện việc này”. Hướng dẫn này chưa thật phù hợp trong một số trường hợp.
Trên thực tế, Hội đồng trọng tài có thể không cho phép một bên cung cấp chứng cứ nhưng không cho phép bên còn lại cung cấp chứng cứ về một vấn đề cụ thể vì cho rằng bên này cung cấp chứng cứ với mục đích làm gián đoạn, trì hoãn tố tụng và/hoặc việc cung cấp chứng cứ đó là trùng lặp. Khoản 2 Điều 37 Luật Trọng tài thương mại cũng quy định, trong quá trình tố tụng trọng tài Hội đồng trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung đơn kiện, đơn kiện lại hoặc bản tự bảo vệ “nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp”. Quy định tại Luật Trọng tài thương mại cũng phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL tại Điều 23.2 “Nếu các bên không có thỏa thuận khác, một trong các bên có quyền sửa đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc luận cứ bảo vệ của mình trong quá trình tố tụng trọng tài, trừ trường hợp Hội đồng trọng tài cho rằng không thể cho phép thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đó vì việc này sẽ làm chậm trễ quá trình tố tụng trọng tài”.
Để đảm bảo phù hợp với thực tế và các quy định về trọng tài, đề nghị Ban soạn thảo hoặc bỏ hoặc sửa đổi ví dụ trên theo hướng loại trừ trường hợp Hội đồng trọng tài từ chối việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của một bên vì lý do trì hoãn quá trình tố tụng.
- Về ví dụ 4 khoản 4:
Dự thảo nêu hướng dẫn về việc đề nghị hoãn phiên họp của người thi hành với lý do như ốm nặng, bị tai nạn phải chữa trị tại bệnh viện … không được Hội đồng trọng tài chấp nhận. Để đảm bảo tính khách quan, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung ví dụ theo hướng người thi hành phải cung cấp kèm theo các chứng cứ chứng minh các lý do trên.
- Về căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 19)
- Điểm d Khoản 1 Điều 19 Dự thảo hướng dẫn “trường hợp có sự khác nhau giữa thỏa thuận trọng tài và luật tố tụng trọng tài của nước nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp về thành phần của Hội đồng trọng tài, thủ tục trọng tài, thì thỏa thuận trọng tài giữa các bên được ưu tiên áp dụng”.
Pháp luật về trọng tài tại nước nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp sẽ thường đóng vai trò là luật tố tụng, vì vậy thủ tục tố tụng trọng tài không thể trái với các quy định bắt buộc của pháp luật tố tụng đó. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định trên theo hướng nếu thỏa thuận trọng tài giữa các bên không trái với các quy định bắt buộc của pháp luật điều chỉnh tố tụng trọng tài.
- Điểm đ khoản 1 Điều 19 Dự thảo hướng dẫn “Tòa án chỉ từ chối công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài nếu những vi phạm về tố tụng trọng tài là nghiêm trọng hoặc xét thấy có mối quan hệ nhân quả giữa vi phạm tố tụng trọng tài với phán quyết trọng tài”. Hướng dẫn này dường như không cần thiết, bởi vì khoản 1 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự đã liệt kê các trường hợp phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được công nhận, và đây được xem là các vi phạm nghiêm trọng về tố tụng trọng tài. Mặt khác, quy định tại Điều 459 Bộ luật dân sự được hiểu là những trường hợp không công nhận phán quyết của Trọng tài nước ngoài, ngoài các trường hợp này thì phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận. Quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 19 Dự thảo vừa chung chung vừa không thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự, vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Về các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 459 của Bộ luật tố tụng dân sự (Điều 22)
Dự thảo hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 459 Bộ luật tố tụng dân sự trong đó “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự về cách thức giải quyết tranh chấp” là một trong các trường hợp bị coi là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
“Cách thức giải quyết tranh chấp”, một số trung tâm trọng tài cho rằng là khái niệm quá rộng, có thể bao gồm các bước tiền tố tụng (thương lượng, hòa giải), đặc biệt ở các tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng theo mẫu hợp đồng của Hiệp hội các Kỹ sư Tư vấn Quốc tế (FIDIC). Quy định tại Dự thảo có thể được hiểu, nếu các bên bỏ qua một bước nào đó và đi thẳng ra khởi kiện trọng tài cũng có thể tạo ra sự rủi ro trong việc yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh quy định trên theo hướng “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không ghi nhận sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự về thủ tục tố tụng trọng tài”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của trọng tài nước ngoài tại tòa án cấp sơ thẩm.