Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương; Lãnh đạo Tổng cục Môi trường; Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành; Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam; Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, Khu Công nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam; Cơ quan truyền thông Trung ương tại khu vực phía Nam cùng 300 đại biểu đại diện các doanh nghiệp thuộc các tỉnh/thành phố khu vực phía Nam.
Nội dung chính của Hội nghị gồm 2 phiên đối thoại: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam và Các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay.
Hội nghị sẽ là nơi giao lưu, đối thoại thẳng thắn giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường với doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp cho các doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế song song với bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững..
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: Môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay cả nước vẫn còn 67 KCN, 532 CCN đang hoạt động chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; hơn 5.000 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây nhiều tác động xấu đến môi trường. Hoạt động khai thác và kinh doanh trái phép cát sỏi trên sông lớn cũng đã và đang làm thất thoát nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, trở thành vấn đề bức xúc ở một số địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn chú trọng kiểm soát các nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường. Do đó, tỉnh luôn quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, yêu cầu các chủ đầu tư và cơ sở sản xuất chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ môi trường. Với chính sách kinh tế xanh, những năm gần đây, BR-VT lấy các tiêu chí về loại hình, công nghệ, môi trường để quyết định việc chọn lựa nhà đầu tư, chọn dự án.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), các văn bản pháp luật liên quan, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường, các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực miền Nam trong giai đoạn hiện nay như: Quản lý môi trường các khu kinh tế, KCN, những vấn đề thực tiễn đối với DN trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, giám sát BVMT.