Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI tiếp tục đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 20

Thông qua VCCI, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn sớm sửa đổi các quy định của Nghị định 20 về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết. Nhất là trong bối cảnh khó khăn này.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 20/2017/NĐ-CP có doanh nghiệp đề nghị ngay cả khi sửa đổi nghị định theo hướng mức khống chế trần lãi vay là 30% cũng vẫn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Hơn lúc nào hết, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng để sửa đổi Nghị định 20.

Hơn lúc nào hết, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang rất kỳ vọng để sửa đổi Nghị định 20.

Thông qua VCCI, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Nghị định 20 kiến nghị: Chỉ áp trần mức lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết mà các giao dịch này không đúng bản chất thị trường, làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước.

Còn đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng đúng với bản chất thị trường, không làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước thì sẽ không bị áp dụng trần mức lãi vay.

Đồng thời với việc cho phép chuyển lỗ vào thu nhập cho 5 năm tiếp theo, đề nghị cho phép khấu trừ các khoản lỗ của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vào năm lợi nhuận của năm 2019 khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này cho phép doanh nghiệp chi trả nộp thuế trong vòng hai năm 2019-2020, giúp tránh phá sản cho những doanh nghiệp có lợi nhuận trong năm 2019 nhưng lại thua lỗ nhiều trong năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên VCCI góp ý sửa đổi các quy định của Nghị định 20. TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đây là vấn đề lớn, đã và đang tác động đến hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh rất khó khăn của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra hiện nay.

“Bên cạnh đó, việc thực hiện sửa đổi chính sách này hoàn toàn kiểm soát được các rủi ro và tiêu cực và đặc biệt mang nhiều ý nghĩa về, củng cố niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay” – ông Lộc khẳng định.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Tiến Sơn – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: “tình hình các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn. Thực tế, có doanh nghiệp đã lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thêm khoản thuế cả trăm tỉ đồng thì thật không tưởng tượng nổi. Bởi thế, việc sửa Nghị định 20 với nội dung cho hồi tố sẽ là tin vui giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và sức sống”.

Trước đây khi soạn thảo và ban hành Nghị định 20, có thể cơ quan soạn thảo chưa đánh giá hết và đo đếm đủ các tác động tích cực và tiêu cực trong thực hiện, chưa tính toán cụ thể được dự kiến số thu tăng thêm hay thiệt hại mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước gánh chịu. Nên khi điều này đã được chứng minh rõ qua thực tiễn triển khai những năm qua thì linh hoạt và nhanh chóng điều chỉnh lại phù hợp là điều cần thực hiện.

“Chỉ với chính sách này, Chính phủ đã khẳng định tinh thần “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá” đặc biệt là trong lĩnh vực rất nhạy cảm, tác động trực tiếp tới nguồn thu của ngân sách, lĩnh vực thuế”, Luật sư Phan Ngọc Tâm, CEO điều hành công ty Luật Tín và Tâm nhấn mạnh.

Đồng thời, theo đánh giá của nhiều chuyên gia việc giải quyết vụ việc này là một tiền lệ tốt trong lĩnh vực quản lý thuế, nếu những quy định hợp lý, có lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp cần có sự giải trình, đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền lợi của mình. Cùng với đó, về thời hạn thực hiện, việc sửa đổi có hiệu lực ngay cũng thể hiện sự quyết liệt về điều hành của Chính phủ.

Trước đó, ngày 17/4, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Bộ Tài chính liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 của Chính phủ về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính ký tắt nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành ngay trong ngày 20/4. Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của nghị định.

Từ 2017 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, giới chuyên gia và báo chí đã cùng phản ánh và phân tích những điểm chưa hợp lý của quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo khoản 3 điều 8 Nghị định 20 về giao dịch liên kết.

Sau những ý kiến phản biện, Bộ Tài chính đã tiếp thu sửa đổi Nghị định 20, nâng trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% lên 30%, tuy nhiên không đồng ý hồi tố các khoản đã thu từ 2017-2018.

Doanh nghiệp lại miệt mài kiến nghị, phản ánh đề nghị hồi tố lại quy định tại Nghị định 20 này. Khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho các doanh nghiệp lên đến gần 5.000 tỷ đồng như một nguồn hỗ trợ quý giá cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này.

 Với quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, những tiếng kêu của doanh nghiệp đã được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe và giải quyết thấu đáo.

Nguồn: enternews.vn

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM