IMF: Khuyến nghị các chính sách tích cực với lao động Việt Nam

Thời gian tới, các chính sách nên hướng tới việc giảm tình trạng lao động phi chính thức thông qua cải thiện các kỹ năng lao động, giảm chi phí tuyển dụng, sa thải với lao động chính thức…

Việt Nam đã chèo chống vượt qua đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo về triển vọng của Việt Nam sau đại dịch Covid-19.  Theo các chuyên gia Era Dabla-Norris và Yuanyan Sophia Zhang, Vụ Châu Á Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhờ khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế cộng với các biện pháp kiểm soát dịch quyết liệt, Việt Nam đã chèo chống vượt qua đại dịch COVID-19 trong năm qua.

“Để gặt hái được những lợi ích lớn hơn từ việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu đại dịch, Việt Nam cần những cải cách quyết liệt hơn nữa để phát huy tối đa tiềm năng tăng trưởng lớn của mình” – nhóm chuyên gia nhận định.

Theo nhóm chuyên gia IMF, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới kinh tế theo định hướng thị trường vào năm 1986, Việt Nam đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Sự chuyển đổi cơ cấu từ kinh tế nông nghiệp sang một nền kinh tế hiện đại dựa trên công nghiệp chế tạo, với vai trò dẫn dắt của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và chủ trương “không để ai tụt lại phía sau” đã giúp nâng cao mức sống.

Đầu tư nước ngoài mạnh và thặng dư cán cân vãng lai đã củng cố khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Sức khoẻ của hệ thống ngân hàng đã cải thiện với thanh khoản, lợi nhuận cao hơn và nợ xấu ít hơn so với trước đây, mặc dù các điểm yếu vẫn còn tồn tại. Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể về củng cố tài chính công trong giai đoạn trước COVID-19. Việc tích luỹ các bộ đệm tài khoá, kinh tế đối ngoại và tài chính trước khi xảy ra đại dịch đã giúp Việt Nam chống chịu tốt hơn trước cú sốc.

Trước ảnh hưởng của bão covid-19, thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, cho dù đạt được kết quả tích cực như vậy và những cải cách cơ cấu đang diễn ra, Việt Nam vẫn còn dư địa đáng kể để thúc đẩy tăng năng suất và cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Đặc biệt, quý 2/2020, thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực phi chính thức. Mặc dù việc làm phi chính thức đã phục hồi trở lại sau đó nhưng những điểm yếu của thị trường lao động vẫn tồn tại.

Theo đó, chuyên gia IMF khuyến nghị các chính sách trong ngắn hạn nên tập trung vào duy trì bền vững việc làm, đồng thời thúc đẩy tái phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Điều này có thể đạt được thông qua những biện pháp như trợ cấp tuyển dụng, các chính sách hỗ trợ chủ động cho thị trường lao động nhằm tạo cơ chế khuyến khích đào tạo nghề. Độ bao phủ của lưới an sinh xã hội hiện nay nên được mở rộng vĩnh viễn và hiệu quả của lưới cần được cải thiện.

Thời gian tới, các chính sách nên hướng tới việc giảm tình trạng lao động phi chính thức thông qua cải thiện các kỹ năng lao động, giảm chi phí tuyển dụng, sa thải đối với lao động chính thức, khuyến khích việc chính thức hóa các cơ sở sản xuất kinh doanh phi chính thức.

Chuyên gia IMF đánh giá các chính sách tiền tệ, tài khoá và khu vực tài chính mà chính phủ triển khai đã giúp giảm thiểu nguy cơ trước mắt về khả năng gia tăng mạnh phá sản doanh nghiệp và sa thải lao động hàng loạt.

IMF khuyến nghị các hỗ trợ đó nên tập trung có trọng điểm vào những doanh nghiệp bị mất khả năng thanh khoản song vẫn có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh cho đến khi sự phục hồi được bám rễ chắc chắn hơn. Việc tiếp tục giám sát chặt chẽ – kết hợp với những nỗ lực kịp thời nhằm xử lý các khoản vay có vấn đề và tăng cường các khuôn khổ quản lý, giám sát – sẽ giúp khắc phục các rủi ro hệ thống tài chính.

Đồng thời, theo chuyên gia IMF, Việt Nam nên ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với những cải cách hướng tới việc giảm gánh nặng tuân thủ mà doanh nghiệp phải đối mặt, đổi mới sáng tạo…, cũng như giảm tình trạng mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động. Cải cách trong những lĩnh vực này cũng sẽ giúp Việt Nam gặt hái được lợi ích lớn hơn từ việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu đại dịch.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM