Kinh doanh liêm chính, không chỉ góp phần tích cực vào việc phòng, chống tham nhũng, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, mà còn được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công, phát triển bền vững, góp phần hồi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, thế giới phải đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất trong nhiều thập kỷ gần đây, đó là sự lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid 19. Các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội được áp dụng khá chặt chẽ đã đặt ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời dự báo bức tranh kém khởi sắc của nền kinh tế toàn cầu.
Cũng theo Tổng Thư ký VCCI, các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật ngay cả khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID -19; đồng thời, doanh nghiệp còn gặp vô vàn khó khăn như điều kiện làm việc từ xa, giảm lực lượng lao động, gián đoạn kỹ thuật hoặc quá tải do tăng khối lượng công việc. Bên cạnh đó, áp lực đảm bảo tính liên tục trong kinh doanh, khó khăn trong quản trị lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu,…được xem là các nguyên nhân tác động đáng kể tới đảm bảo tính liêm chính trong kinh doanh.
“Đã đến lúc, doanh nghiệp cần tìm kiếm những cơ hội trong việc tiết kiệm chi phí kinh doanh, đồng thời chủ động hơn nữa về những giải pháp công nghệ mới mà cho phép hỗ trợ tăng cường tính tuân thủ trong kinh doanh” ông Vinh nhấn mạnh.
Tổng Thư ký VCCI nhận định, COVID-19 là phép thử cho sức khỏe của doanh nghiệp, đồng thời cũng là phép thử cho tính liêm chính. Điều mà các công ty có thể làm để bảo vệ mình chính là một chương trình liêm chính doanh nghiệp trước sự ứng phó với các thách thức. Với doanh nghiệp dù ở quy mô nào, lớn hay nhỏ muốn vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn cần chú trọng tích hợp giá trị kinh doanh liêm chính là nền tảng cốt lõi bởi liêm chính sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tự cường, khả năng chống chọi, thu hút, giữ chân khách hàng, sự quan tâm của các nhà đầu tư chân chính, chiêu mộ nhân tài làm việc tại công ty, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn lớn như hiện nay.
Tổng Thư ký VCCI cho biết thêm, với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, Chương trình cải cách thương mại khu vực Đông Nam Á và sự hợp tác chặt chẽ của UNDP thông qua Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN”, thời gian qua, VCCI đã đồng hành với chương trình nghị sự thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh thông qua nhiều sáng kiến, diễn đàn, các nền tảng để huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp hướng tới duy trì một sáng kiến liêm chính được định hướng bởi doanh nghiệp. Trong đó, Mạng lưới doanh nghiệp kinh doanh liêm chính tại Việt Nam (VBIN), đã được triển khai nhằm huy động các nỗ lực tập thể của cộng đồng doanh nghiệp, với mục đích tuân thủ các quy tắc và quy định liên quan đến kinh doanh liêm chính, lan tỏa các thực tiễn tốt, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, đảm bảo tính cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia VBIN, các doanh nghiệp có thể giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác cùng nhau để tăng cường quản trị công ty, hướng tới sự phát triển bền vững.
Đồng quan điểm này, ông Patrick Haverman, Phó Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù đã ghi nhận những cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn gần một nửa số DN được khảo sát trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam 2020 cho biết đã trả các khoản phí không chính thức.
Hiện đã có 15 hiệp hội với hơn 13.000 thành viên (doanh nghiệp) ký vào bản cam kết “kinh doanh liêm chính” để thể hiện tính tuân thủ, tính liêm chính và tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. |
Đại diện UNDP cũng lưu ý, các yếu tố quan trọng để phục hồi kinh tế thành công, đó là: Kinh doanh liêm chính phải là yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; Các công ty cam kết liêm chính, minh bạch và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19 và sẽ đạt được thành công lâu dài; và Hành động tập thể là cần thiết để xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Phí Ngọc Tuyển – đại diện Thanh tra Chính phủ cho biết: Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để xây dựng văn hóa không tham nhũng, coi đó là nền tảng phát triển bền vững. Xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính cũng là một yêu cầu quan trọng đã được đặt ra. Nghị quyết về Phát triển bền vững đến 2030 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó định hướng tới xã hội không tham nhũng, xây dựng kinh doanh liêm chính. Luật Phòng chống tham nhũng cũng đã đề cập đến các qui định phòng, chống tham nhũng không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư.
Tuy nhiên theo đại diện Thanh tra Chính phủ, xây dựng văn hóa không tham nhũng, nếu chỉ riêng Chính phủ nỗ lực thực hiện thì không đủ, cần có sự ủng hộ, tham gia từ nhiều phía, trong đó có người dân và doanh nghiệp. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với VCCI và các bên liên quan để thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bền vững, kinh doanh liêm chính.
Vietnam Business Forum