Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Đây là nội dung cơ bản được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/6/2021.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế – xã hội những tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế – Moody’s, S&P và Fitch – đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.
Theo Bộ trưởng, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhậtlại tại thời điểm quý I/2021 (tăng 5,92%).
Theo đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản dự báo tăng trưởng khoảng 3%. Sản xuất công nghiệp – xây dựng dự báo tăng trưởng khoảng 7,85%. Khu vực dịch vụ dự báo tăng trưởng khoảng 5%. Dự báo tiêu dùng tiếp tục xu hướng phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội dự báo tăng khoảng 7,1%.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao; cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD); hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.
Đến hết tháng 5/2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%); trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%.
Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.
Hoạt động của doanh nghiệp dự báo còn khó khăn, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới dự báo tiếp tục xu hướng tăng thấp (khoảng 1,6%) nhưng số vốn đăng ký mới dự báo xu hướng tăng cao (khoảng 34,8%); xu hướng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức khá cao
Dự báo tình hình thế giới và trong nước 6 tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19; tiêm chủng vắc-xin chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế; đồng thời có những ảnh hưởng từ bất ổn thị trường tài chính quốc tế, an ninh, đối ngoại.
Kinh tế trong nước được nhiều tổ chức trên thế giới dự báo tăng trưởng khá lạc quan trong năm 2021. Động lực tăng trưởng kinh tế năm nay đến từ khu vực công nghiệp – xây dựng và khu vực dịch vụ (đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo), gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại thông qua tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết.
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu Quốc hội đã giao, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tiếp tục chuyển nhanh tư duy, nhận thức, phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để có quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội; Thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; Chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm, lao động tại các khu công nghiệp, người sử dụng lao động để có thể đáp ứng ngay các đơn hàng khi khống chế được dịch bệnh…
Đồng thời, tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp; theo dõi sát diễn biến giá cả để phân tích, dự báo, rà soát kịch bản tăng trưởng, kịp thời đề xuất giải pháp kiểm soát lạm phát. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng.
Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những lĩnh vực cần sự công khai minh bạch; có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…
Nguồn: Vietnam Business Forum