Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương, chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp (DN), doanh nhân. Cộng đồng DN kỳ vọng việc tiếp tục hoàn thiện một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch để phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới
Đây là ý kiến của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trao đổi tại Diễn đàn doanh nhân 2020 diễn ra vào chiều ngày 9/10 tại Hà Nội với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam-Tổ quốc gọi tên mình” nhân Kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương(13/10/1945).
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, những lời dạy của Bác đối với sự phát triển của DN, doanh nhân không chỉ có trong bức thư lịch sử đó, mà còn thể hiện ở rất nhiều bài nói, bài viết của Người liên quan đến DN, doanh nhân. Đến nay, sau nhiều năm đổi mới, cùng với sự tin yêu và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển, lớn mạnh, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước.
Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân.
Bác đã viết “Công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên, chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị. Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
Chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác, tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên”.
Trở lại gian đoạn hiện nay, trong nhiệm kỳ XII, Đảng ra Nghị quyết 10 khẳng định chủ trương xây dựng khu vực tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng, yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta. Doanh nhân được tôn vinh là người lính thời bình, là Anh Bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ dựng xây đất nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và ông kêu gọi phải xóa bỏ mọi định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho DN tư nhân làm ăn tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành với DN, doanh nhân.
“Những thông điệp như vậy của lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã làm DN nức lòng”, ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Đại diện VCCI cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, thực hiện đường lối của Đảng, dưới sự quản lý của Nhà nước, đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800.000 DN, 5,4 triệu hộ kinh doanh.
Hiện nay, Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ COVID-19, một thử thách chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân và sự phấn đấu kiên cường của cộng đồng DN, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiệm vụ kép: Khống chế được dịch bệnh, đồng thời duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng và sinh kế của người dân. Việt Nam vẫn đang là một địa điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy bất ổn.
Chủ tịch VCCI cho rằng, dù đã có một số DN và thương hiệu được thế giới vinh danh, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà công nghiệp sánh vai với cộng đồng DN trong khu vực và trên thế giới.
Nhiều “đại gia” của Việt Nam cho tới nay, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Số làm công nghiệp, công nghệ “make in Việt Nam” chưa nhiều. Tuyệt đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều DN thấp. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.
Đại hội Đảng lần thứ XIII có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021-2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày đất nước giành được độc lập.
“Cộng đồng DN tin tưởng Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ khơi dậy những động lực mới đưa đất nước sớm đạt tới các mục tiêu này. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế kinh tế trung bình”, ông Lộc nói.
Nghị quyết của Đảng sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, nỗ lực của Đảng ta trong công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt thời gian qua, và cũng kỳ vọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới song hành với những nỗ lực cải cách thể chế kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, an toàn để góp phần giải quyết căn nguyên gốc rễ của tình trạng tham nhũng, tạo nhiều động lực sáng tạo cho nền kinh tế và các DN Việt Nam.
Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương, chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của DN, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương, chính sách mà rất cần sự quan tâm của Đảng là chủ trương, chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể – chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị và làm rõ vai trò và chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm ở nước ta.
“Cần có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung, những người dám phá rào vì đất nước”, đại diện cộng đồng DN đề nghị.
Đại diện một hiệp hội DN, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho biết, từng lãnh đạo DN nhà nước, đến nay ông đang lãnh đạo DN tư nhân có niêm yết trên sàn chứng khoán, sản xuất kinh doanh hiệu quả, báo cáo hiệu quả sản xuất kinh doanh minh bạch hằng tháng.
“Các DN vẫn còn nợ Đảng và Nhà nước nhiều. Tôi tự thấy so với tiềm năng của mình, thực tế DN vẫn chưa đóng được nhiều cho đất nước. Chúng ta cần tiếp tục phát huy khát vọng làm giàu tạo việc làm nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, ông Nguyễn Văn Thời nói.
Nguồn: https://rd.zapps.vn/detail/1804841377504511303?zl3rd=815789662550058820&id=2c8d0ec0698580dbd994