Cuộc thi là một phần trong hành trình xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển văn minh, thịnh vượng.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại cuộc họp báo phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam”, ngày 16/3.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, hôm nay chứng kiến phát động một cuộc thi rất đặc biệt, mà kết quả của nó sẽ đi vào lịch sử của giới doanh nhân Việt Nam, mang tên “Hào khí doanh nhân Việt Nam”.
Hành trình xây dựng văn hoá kinh doanh
Cuộc thi này là một phần trong hành trình xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia phát triển văn minh, thịnh vượng.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, văn hoá được đặt ngang hàng với kinh tế. Đây cũng là quan điểm được nêu ra tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11/2021, và đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Đại hội VCCI toàn quốc lần thứ VII năm 2021 cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phát của nhiệm kỳ 2021-2026 của VCCI và giới doanh nhân Việt Nam.
Đó là xây dựng văn hoá doanh nhân Việt Nam, lấy đạo đức văn hoá kinh doanh làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
“Với sự xuất hiện tại sự kiện này của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, cũng như các lãnh đạo của VCCI mang tính biểu tượng cho sự đồng hành của văn hoá và kinh doanh, với quyết tâm cùng chung sức xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam thời kỳ mới”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, giới doanh nhân Việt Nam trải qua hơn 35 đổi mới đã có sự phát triển rất ngoạn mục. Năm 1986 Đảng ta phát động, khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới.
Năm 1990 thì Luật Doanh nghiệp ra đời. Suốt giai đoạn Luật Doanh nghiệp ra đời, tức là kinh tế tư nhân được mở cửa phát triển trở lại thì trong vòng 9 năm, cả nước mới có 45.000 doanh nghiệp đăng ký. Nhưng riêng trong năm 2022, cả nước có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Nếu năm 2000 chúng ta có 39.000 doanh nghiệp, thì năm 2022 có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 29.000 HTX, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Tính tại mỗi doanh nghiệp có 3 doanh nhân lãnh đạo cùng với đội ngũ HTX, hộ kinh doanh thì đất nước ta có đội ngũ doanh nhân khoảng 10 triệu người.
Đội ngũ này trực tiếp lãnh đạo, quản lý, điều hành các cơ sở kinh doanh trên cả nước thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, như quốc doanh, tư nhân, FDI…
Chính đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp này đã góp phần tạo nên kỳ tích kinh tế của Việt Nam. Nếu so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc thì chưa bằng nhưng sự thay đổi ngoạn mục từ một quốc gia luôn phải nhận cứu trợ của thế giới, đã trỗi dậy mang lại sự ấm lo.
Có thể khẳng định, ở Việt Nam hiện nay không còn người nghèo đói, Liên Hợp Quốc cũng đã đưa Việt Nam vào tấm gương số 1 về xoá đói giảm nghèo. Chúng ta đã vươn lên trong năm 2022 với GDP là 409 tỷ USD. Việt Nam đã đứng hàng thứ 37 về GDP.
Việt Nam cũng có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu là 732,5 tỷ USD. Nằm trong top 20 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới. Hàng hoá Việt Nam sản xuất đã có hàng tỷ người trên thế giới sử dụng. “Đây là một kết quả rất ngoạn mục”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Cần một bài hát truyền thống
Nếu so sánh trong vòng 21 năm, từ năm 2001 – 2022, thì quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng 23,5 lần, hiếm có quốc gia nào đạt được kỳ tích như vậy.
Một điều đáng tự hào nữa, đó là từ các báo cáo của các tổ chức quốc tế công bố, Việt Nam đã vượt qua Anh-một đối tác truyền thống của Hoa Kỳ để trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 vào Mỹ, với con số 109 tỷ USD (theo thống kê của Việt Nam), còn theo theo thống kê từ Tổng Cục thuế quan Hoa Kỳ thì Việt Nam đã xuất khẩu hơn 130 tỷ USD.
Tên Việt Nam hiện nay không còn xa lạ với thế giới, cách đây 30 năm giới doanh nhân Việt Nam lập thân, lập nghiệp, khởi sự kinh doanh chủ yếu là mưu cầu giải quyết việc làm cho mình không bị đói, làm giàu cho cá nhân, sau đó mới tính đến làm giàu cho đất nước, cho xã hội.
“Cũng chưa mơ mộng một ngày nào đó sẽ đi ra nước ngoài, mua lại công ty nước ngoài. Còn hiện nay đã xuất hiện một làn sóng ngược trở lại, đó là doanh nghiệp Việt Nam tự tin đi ra đầu nước ngoài, mua lại các doanh nghiệp nước ngoài”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Tổng số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài năm 2022 tương đương 22 tỷ USD. Con số này cũng rất đáng tự hào về giới doanh nhân Việt Nam ngày nay.
Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Lào, mạnh dạn phát triển ra các thị trường tiềm năng, như Hoà Phát mua một mỏ lớn tại Australia, FPT mua lại rất nhiều doanh nghiệp tại Mỹ và châu Âu.
Tuy nhiên, có một điều giới doanh nhân còn trăn trở, trong khi các giai tầng trong xã hội có một bài hát chung, thì giới doanh nhân Việt Nam với số lượng đông đảo lên tới hàng triệu người và có vai trò cũng hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia thì lại chưa có một bài ca truyền thống của mình.
Trong khi công cuộc của chúng ta là tiến ra thế giới và thực hiện khát vọng của dân tộc là trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì rất cần sự nỗ lực lớn hơn nữa của giới doanh nhân, doanh nghiệp.
Và khi đất nước chúng ta có độ mở kinh tế lớn hàng đầu thế giới, hội nhập sâu rộng, các công ty nước ngoài vào Việt Nam hết sức thuận lợi và dễ dàng, được tạo điều kiện tối đa.
Do đó, sự cạnh tranh tại thị trường trong nước là vô cùng gay gắt. Như vậy, công cuộc xây dựng và đưa đất nước Việt Nam tiến lên trở thành quốc gia phát triển, văn minh, thịnh vượng cũng gặp phải rất nhiều thách thức về cạnh tranh.
“Với sự cạnh tranh như vậy thì đòi hỏi sự đoàn kết đồng lòng của giới doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn đoàn kết thì chỉ có thông qua sinh hoạt văn hoá là có một bài hát truyền thống. Đây là động lực tư tưởng, tinh thần vô cùng lớn lao cho giới doanh nhân, doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp