Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh, thương mại. Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI đã có một số góp ý trong quá trình xây dựng Dự thảo.
Cụ thể, liên quan đến vấn đề xã hội hóa hoạt động thi hành án, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật và vướng mắc thực tiễn trong việc xã hội hoá hoạt động thi hành án dân sự.
Thực tế cho thấy, hoạt động thi hành án trong thời gian qua chứng kiến tình trạng quá tải về khối lượng công việc. Theo tính toán, trung bình trong giai đoạn 2018 – 2020, mỗi chấp hành viên thụ lý mỗi năm là 223 việc. Như vậy, trung bình chỉ hơn một ngày rưỡi (1,5 ngày), một chấp hành viên lại phải hoàn thành xong một vụ việc thi hành án. Giá trị về tiền mà mỗi chấp hành viên phải xử lý cũng rất lớn, ở mức 60 tỷ đồng/chấp hành viên/năm. Trong khi đó, số lượng nhân sự của cơ quan thi hành án không đủ nhiều và khó có thể tăng đủ lớn để đáp ứng do yêu cầu về tinh giản biên chế bộ máy nhà nước. Do vậy, công tác thi hành án luôn gặp tình trạng quá tải, tồn đọng một lượng lớn án dân sự.
Xuất phát từ tình trạng đó, xã hội hoá hoạt động thi hành án là cần thiết nhằm giảm tải gánh nặng cho Nhà nước, đồng thời cung cấp cho doanh nghiệp có nhu cầu một lựa chọn khác. Tuy vậy, hiện nay, việc xã hội hoá hoạt động thi hành án còn tương đối hạn chế, chủ yếu mới thực hiện với các hoạt động thủ tục như tống đạt giấy tờ, lập vi bằng. Các hoạt động liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành án còn rất mờ nhạt.
Bên cạnh đó, chất lượng thi hành án kinh doanh, thương mại ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của doanh nghiệp với hoạt động này, do vậy, những đánh giá về chất lượng thi hành án kinh doanh thương mại là rất cần thiết.
Các nghiên cứu, đánh giá độc lập, chuyên sâu sẽ cung cấp các thông tin về chất lượng thi hành án kinh doanh, thương mại trên phương diện, bao gồm cả các thông tin thực tiễn như thời gian thực hiện trên thực tế, năng lực của chấp hành viên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực…Từ đó sẽ giúp cho các cơ quan nhà nước nhận diện được các vấn đề đang tồn tại, mức độ phức tạp và nghiêm trọng của vấn đề, khả năng cải thiện vấn đề…Do vậy, VCCI cho rằng việc có các nghiên cứu, đánh giá độc lập về chất lượng, hiệu quả thi hành án kinh doanh, thương mại, chẳng hạn thông qua các cuộc khảo sát từ cộng đồng doanh nghiệp là điểm cần bổ sung vào dự thảo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với các bản án kinh doanh, thương mại./.