Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: Bộ chỉ số CSI 2023 dễ tiếp cận được lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: Đi kèm với Chương trình CSI 2023 là các hoạt động truyền thông, đào tạo, tăng cường năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về xây dựng khung báo cáo, giải trình cho doanh nghiệp thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI, thực hành khung ESG.
– Xin ông cho biết những điểm mới của Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) 2023?
Là trọng trách, nhiệm vụ được Chính phủ giao phó cho VCCI, Chương trình CSI được triển khai thường niên và đang hướng tới năm thứ 8 trên hành trình tôn vinh những doanh nghiệp bền vững tiêu biểu xuất sắc.
Điểm mới của Chương trình năm nay tập trung chính ở Bộ chỉ số. Có thể nói, phiên bản 2023 là sự cải tổ toàn diện về mặt cấu trúc của Bộ Chỉ số CSI, với 07 phần thay vì 03 phần tại phiên bản cũ. Bộ chỉ số CSI 2023 được hội đồng chuyên gia và các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá là rõ ràng, dễ tiếp cận, lượng hóa được nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh từ doanh nghiệp.
Bộ Chỉ số cũng tích hợp sâu Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, nhấn mạnh vào 03 yếu tố: kiểm đếm phát thải cacbon, hoạt động thích ứng & giảm thiểu biến đổi khí hậu, các mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, Bộ Chỉ số tiếp tục tập trung vào các chỉ số Lao động – Xã hội trọng điểm được quan tâm như các cam kết về đa dạng, bình đẳng trong doanh nghiệp, chế độ làm việc linh hoạt… Các chỉ số này được lồng ghép nhuần nhuyễn và có chiều sâu nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện hiệu quả các FTA thế hệ mới. Một yếu tố mới đặc biệt khác, cho thấy sự tân tiến của Bộ chỉ số CSI 2023 là sự tích hợp các yếu tố liên quan đến thực hiện khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG), một xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư quốc tế đang rất quan tâm.
Những nội dung cụ thể hơn sẽ được VBCSD giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp trong Hội thảo phát động Chương trình CSI 2023 vào ngày 31/5 tới đây tại Hà Nội.
– Thông qua Chương trình CSI 2023, VBCSD đặt kỳ vọng gì, thưa ông?
Chương trình CSI không chỉ dừng lại ở phạm vi tìm kiếm, biểu dương các doanh nghiệp phát triển bền vững xuất sắc tại Việt Nam, mà thông qua đó, VCCI muốn nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tầm quan trọng và lợi ích của phát triển bền vững (PTBV) doanh nghiệp trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững nói chung, và thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua áp dụng Bộ chỉ số CSI nói riêng.
Trong năm 2022, Ban tổ chức đã lần đầu tiên cung cấp báo cáo đánh giá chi tiết về hồ sơ của các doanh nghiệp sau khi kết thúc Chương trình. Thông lệ này sẽ tiếp tục được duy trì tại Chương trình năm nay, với kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, xây dựng mục tiêu, xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn lực khoa học hơn nhằm thực hiện PTBV hiệu quả hơn.
Tôi cũng muốn chia sẻ tin vui rằng Chương trình, Bộ chỉ số CSI không những được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao, mà tới đây sẽ được VCCI, cụ thể là ASEAN BAC Việt Nam, nâng tầm quốc tế. Tại các cuộc họp ASEAN BAC 2023, với tư cách là Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, tôi đã giới thiệu về CSI đến các thành viên ASEAN BAC và nhận được đề nghị phối hợp, hỗ trợ nhân rộng mô hình Bộ chỉ số CSI đến các quốc gia thành viên, giúp thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp SME trong khu vực cùng hướng đến kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm.
– Được biết ông vừa tham gia Cuộc gặp thường niên của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Thế giới (WBCSD), vậy nội dung chính của cuộc họp này là gì và đâu là xu hướng mới về phát triển bền vững, thưa ông?
Cuộc gặp thường niên của WBCSD là sự kiện dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bền vững hàng đầu trên thế giới nhằm thảo luận, tìm ra giải pháp kinh doanh đối với các vấn đề cấp bách nhất mà nhân loại đang đối mặt như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, bất bình đẳng…
Cuộc gặp năm 2023 quy tụ khoảng 500 giám đốc điều hành, giám đốc phụ trách PTBV của các tập đoàn, công ty đa quốc gia trên thế giới. Thông qua các nội dung được chia sẻ có thể nhận thấy một số xu thế nổi bật. Thứ nhất, kinh doanh “vị tự nhiên” – có thể hiểu là kinh doanh tạo ra những tác động tích cực, giúp bảo vệ và phát triển môi trường tự nhiên. Thứ hai, thực hiện trách nhiệm giải trình trong doanh nghiệp, đặc biệt là giải trình, lập báo cáo, công bố thông tin liên quan hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của doanh nghiệp. Thứ ba, tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp về: thẩm thấu tư duy PTBV, cải thiện hiệu quả trong thực hiện PTBV thông qua học tập và xây dựng năng lực; thực hành ESG; xây dựng kế hoạch giảm phát thải các-bon cho các doanh nghiệp SME… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thành viên của WBCSD đã, đang tích hợp yếu tố PTBV vào tất cả các nguồn lực và các quyết định phân bổ nguồn vốn. Điều này sẽ đòi hỏi doanh nghiệp tư duy lại về chiến lược, xây dựng hệ thống cấu trúc quản trị, và các quy trình có thể hỗ trợ hiệu quả việc ra quyết định và ưu tiên việc tích hợp và xử lý các rủi ro liên quan đến ESG.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Phan Nam (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
https://diendandoanhnghiep.vn/nhan-rong-mo-hinh-bo-chi-so-csi-244590.html