Nghị quyết 09-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống sau 10 năm triển khai, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ giúp doanh nghiệp, doanh nhân có thể dốc tâm cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn tới.
Doanh nhân hiến kế
Cần tạo ra thể chế tốt để “cỗ xe” doanh nghiệp nhà nước có thể chạy tốc độ cao
Rất sinh động và cụ thể, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex – ông Lê Tiến Trường ví von, trong nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp như những chiếc xe, thể chế vận hành là con đường, quản lý nhà nước là những người điều hành trên con đường đó, doanh nghiệp và doanh nhân chỉ có khả năng tập trung lo thật tốt cỗ xe của mình, chạy an toàn, tốc độ cao, tiết kiệm nếu có điều kiện để chạy tốc độ cao. Còn lại thể chế cần hoàn thiện để thực sự là một đại lộ cao tốc, chất lượng cao, an toàn, phân làn rõ ràng. Đồng thời quản lý con đường phải theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch. Con đường tốt, xe tốt nhưng nhiều trạm phải dừng kiểm tra, thời gian kiểm tra lâu, thậm chí gây ách tắc thì tốc độ trung bình của cỗ xe cũng không thể cao.
Ông Trường cho rằng, Việt Nam có các đặc điểm địa kinh tế, địa chính trị thực sự tốt cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Vấn đề là cần tạo ra thể chế thật tốt, an toàn để doanh nhân dám dấn thân kinh doanh. Doanh nghiệp yên tâm với hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, công bằng với các loại hình doanh nghiệp, đồng thời có một cơ chế vận hành tinh gọn, hiệu lực. Tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc gia ngày càng cao là giải pháp căn cơ để phát triển bền vững, nhờ đó đội ngũ doanh nhân sẽ có động lực để tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Đồng thời, theo ông Trường, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước là loại hình doanh nghiệp và doanh nhân đặc biệt. Chính vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế quản lý, cơ chế tuyển dụng và sử dụng nhân tài trong khu vực này. Để khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước thực sự là hạt nhân lan toả trong nền kinh tế thì phải đủ lực hấp dẫn và cơ chế sử dụng những nhân tài về quản trị, những doanh nhân tầm cỡ.
Chủ động đón đầu cách mạng 4.0, áp dụng phương thức quản trị mới
Nghị quyết 09-NQ/TW ra đời đã có ảnh hưởng lớn đến vai trò của giới doanh nhân cũng như hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Thừa nhận điều đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Petrolimex – ông Phạm Văn Thanh cho biết, 10 năm qua, Tập đoàn đã ghi nhận những thành tựu rõ rệt. “Báo cáo phát triển bền vững” của Petrolimex lần đầu tiên được Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 báo cáo tốt nhất trên toàn thị trường như một sự khẳng định, ghi nhận từ phía cơ quan quản lý, từ thị trường đối với mô hình kinh doanh, tính hiệu quả và cách thức quản trị doanh nghiệp của Petrolimex khi hoạt động theo kim chỉ nam của Nghị quyết 09-NQ/TW tiệm cận theo các chuẩn mực quốc tế theo hướng minh bạch hơn, hiện đại hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với các mục tiêu xã hội, môi trường.
Để phát huy những thành tựu của Nghị quyết 09-NQ/TW, giai đoạn tới, theo ông Thanh, cần phải định hướng, chú trọng vào công tác nghiên cứu, đổi mới hoạt động; chủ động đón đầu cách mạng công nghệ 4.0 và nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn vốn. Cụ thể, Petrolimex sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và đầu tư các dự án năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, Petrolimex cũng củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với đối tác chiến lược ENEOS nhằm học hỏi kinh nghiệm, công nghệ từ đối tác. Đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện để hướng đến xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp số hàng đầu. Đồng thời, chú trọng đổi mới các phương thức quản trị, tiếp cận và áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, hiện đại trên thế giới để gia tăng hiệu quả hoạt động và phát huy được tối đa các nguồn lực trong doanh nghiệp.
Pháp luật cần phải là “bà đỡ” cho khối doanh nghiệp tư nhân
Khẳng định vai trò của Nghị quyết 09/NQ-TW, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Vàng – bà Nguyễn Kim Thúy cho biết, Nghị quyết đi vào cuộc sống đã trở thành kim chỉ nam dẫn đường cho doanh nghiệp. Qua 10 năm hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết, Công ty TNHH Đỉnh Vàng với hơn 30.000 lao động đã có bước phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Tuy nhiên, theo bà Thúy, trong giai đoạn mới, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19 đã đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều ngành kinh tế, trong đó đặc biệt là những lĩnh vực liên quan đến xuất nhập khẩu chịu ảnh hưởng lớn bởi nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng, đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ lớn từ phía Nhà nước. Cần phải có chủ trương, chính sách hậu thuẫn làm sao để doanh nghiệp có thể trụ vững, duy trì những thành quả đã đạt được trong suốt 10 năm qua cũng như phát huy tiềm lực và khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, về lâu dài, theo bà Thúy, chính sách, pháp luật kinh doanh cần phải có chiến lược dài hơn, ổn định hơn và thực sự là “bà đỡ” cho khối doanh nghiệp tư nhân, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường, trong đó có vai trò dẫn đầu của các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu…
Doanh nghiệp cần liên kết thành cộng đồng vững mạnh, tương trợ lẫn nhau
Theo ông Trần Xuân Quảng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam, sự ra đời của Nghị quyết 09-NQ/TW rất kịp thời và đúng lúc. Việc mở cửa nền kinh tế, kêu gọi đầu tư, hoàn thiện hành lang pháp lý… đã tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều doanh nghiệp tư nhân, tham gia trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, dịch vụ, đến hàng không, y tế,… Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp tư nhân ngày càng được coi trọng, từ đó thúc đẩy, tạo động lực mạnh mẽ cho những doanh nghiệp tư nhân bứt phá, tích cực hoạt động, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước cũng như vào GDP của quốc gia. TNG Holdings Việt Nam cũng vô cùng tự hào khi đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 10.500 tỷ đồng, thu hút hơn 500 nhà đầu tư nước ngoài từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam hoạt động, tạo công ăn việc làm cho khoảng 14.000 lao động. Thành quả này có được chính nhờ Nghị quyết 09 đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tích cực hội nhập quốc tế.
“Trên tinh thần của Nghị quyết 09-NQ/TW, TNG Holdings Vietnam không ngần ngại khi quyết định đầu tư vào những lĩnh vực của tương lai như năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong mọi hoạt động như quản trị, chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm/dịch vụ mới…” – ông Quảng chia sẻ.
Đại diện TNG Holdings Việt Nam đặc biệt khẳng định tầm quan trọng của sự liên kết giữa các doanh nghiệp. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế, rất nhiều các hiệp định kinh tế song phương, đa phương đã được ký kết, song để khai thác, tận dụng tối đa những thời cơ này, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết thành một cộng đồng vững mạnh, tương trợ lẫn nhau, có như vậy mới gia tăng năng lực cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường quốc tế.
Nền hành chính phục vụ cần văn minh hơn, các văn bản pháp luật cần chất lượng hơn
Tổng giám đốc công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm – ông Nguyễn Duy Ninh nhìn nhận, 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với những bước phát triển đột phá đầy ấn tượng. Các tập đoàn kinh tế lớn tầm cỡ khu vực được hình thành, một số doanh nhân đã trở thành tỷ phú được thế giới xếp hạng. Trong đó, Tập đoàn Hồ Gươm đã có những bước chuyển mình bứt phá, từ một công ty chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế đa ngành bao gồm sản xuất may mặc, giáo dục đại học, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin.
Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nhân trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, theo ông Ninh, bộ máy quản lý nhà nước cần tinh gọn hơn nữa, đội ngũ cán bộ công chức cần được quan tâm và đãi ngộ xứng đáng hơn nữa để họ yên tâm và cống hiến vì sự nghiệp chung. Đó sẽ là tiền đề cho một nền hành chính phục vụ văn minh hiện đại. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hơn, rõ ràng hơn, thực tế hơn, loại bỏ sự chồng chéo, đón đầu đòi hỏi của thực tế và theo chuẩn quốc tế. Nếu hiện thực hóa được mục tiêu này, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ xuất hiện nhiều Thánh Gióng vươn ra biển lớn với lòng yêu nước và tinh thần dân tộc để sánh bước năm châu.
Cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cống hiến
Chuyên gia tư vấn nguồn nhân lực, Giám đốc điều hành Công ty CP Tư Vấn POCD – ông Ngô Đình Đức cho rằng, để tạo ra một đội ngũ doanh nhân Việt Nam hùng cường, có sức mạnh cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế và đóng góp mạnh mẽ vào quá trình công nghiệp hóa đất nước, cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Về vai trò của Nhà nước, ông Đức khuyến nghị, Nhà nước cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn, trong đó bao gồm việc tạo hành lang pháp luật minh bạch và đồng bộ; cải cách thủ tục hành chính, giấy tờ, số hoá nhằm giảm bớt lãng phí và nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có định hướng phát triển vùng, phát triển ngành mang tính cạnh tranh quốc gia có tính thực tiễn, cụ thể, phối hợp với doanh nghiệp trong việc triển khai cụ thể để có thể tận dụng các thế mạnh phát triển vùng, miền, ngành và quốc gia trong tương lai hơn là để doanh nghiệp tự mò mẫm, đơn lẻ, không thu được hiệu quả cao. Đặc biệt, để có thể hỗ trợ kinh doanh tốt nhất cho đội ngũ doanh nhân, Nhà nước cũng cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ thực thi có góc nhìn hỗ trợ kinh doanh để việc quản lý, tham mưu, giám sát và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, doanh nhân có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Đức cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nhân: “Chính khát vọng, tầm nhìn, giá trị và nội lực doanh nhân mới là điều tiên quyết giúp cho chính doanh nghiệp mình cũng như cộng đồng doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Doanh nhân cũng cần nhiều hơn nữa trọng trách chia sẻ cộng đồng, đào tạo đội ngũ nhân sự và phát triển lực lượng kế thừa có khả năng đổi mới, cải tiến liên tục thông qua sự học hỏi, đầu tư, áp dụng các công nghệ mới vào doanh nghiệp để tạo thêm nhiều giá trị giá tăng cho khách hàng và cộng đồng”.
Việt Nam tự hào với nhiều doanh nhân tên tuổi như Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Mỹ, Trần Bá Dương… đã mang sản phẩm và thương hiệu Việt ngang tầm thế giới trong quá trình 10 – 20 năm qua. “Tôi tin rằng với sự chỉ đạo, lắng nghe và cải tiến, đổi mới quản lý liên tục của Chính phủ trong suốt nhiều năm qua, doanh nhân Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển cường thịnh hơn nữa trong tương lai” – ông Đức tin tưởng.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Nghị quyết 09-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy vai trò doanh nhân trong hội nhập và công nghiệp hóa đất nước, tuy nhiên trong quá trình hoạt động vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản cả về khách quan và chủ quan vẫn còn tồn tại, đã và đang tác động đến quá trình xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
Thời gian qua, nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục có những diễn biến khó lường, dịch bệnh Covid-19 hoành hành gây thiệt hại nghiệm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Đối với môi trường kinh doanh trong nước, những hạn chế, yếu kém về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn chưa thể được khắc phục trong thời gian trước mắt.
Thực tế, công tác tuyên truyền Nghị quyết 09-NQ/TW chưa được quan tâm đúng mức. Một số chủ trương, chính sách về hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện. Thậm chí, một số nơi chưa đưa ra được chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, các giải pháp còn chung chung, chưa đôn đốc, kiểm tra sâu sát việc thực hiện Nghị quyết.
Một số rào cản bắt nguồn từ kiến thức và nhận thức của doanh nhân, theo báo cáo của VCCI, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, nhiều mặt kiến thức và năng lực hội nhập của doanh nhân vẫn còn hạn chế như ngoại ngữ, kiến thức về chuyển đổi số, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, pháp luật quốc tế,…
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân chưa thực hiện đúng các quy định pháp luật, thiếu liêm chính trong kinh doanh, thiếu trách nhiệm xã hội, thậm chí còn nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động, trốn thuế, làm ăn chụp giật… Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc sản xuất hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, thậm chí còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, thiếu kinh nghiệm kinh doanh,…
Tiếp tục nâng cao vai trò của đội ngũ doanh nhân, giai đoạn tới cần phải tháo bỏ những nút thắt, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu tổng kết nghị quyết quan trọng này.
“Những vấn đề quan trọng rất cần sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội đều luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, với vai trò tham mưu, VCCI sẽ cùng với Chính phủ, các ban ngành Trung ương và doanh nghiệp, rà soát, đánh giá toàn diện để xây dựng một phương hướng mới cho giai đoạn kế tiếp nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của đất nước, phấn đấu cho mục tiêu “Vì một Việt Nam hùng cường”.
Nguồn: Vietnam Business Forum