Bắt nhịp hạ tầng kinh tế số
Năm 2020, ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone, Viettel đã đồng loạt thử nghiệm thương mại 5G tại một số khu vực tại Hà Nội, TP.HCM và Bắc Ninh. Tuy mới chỉ là thử nghiệm 5G trên diện hẹp, song đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong số những quốc gia đầu tiên triển khai 5G, Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G. Bộ TT&TT cũng dự kiến, năm 2021 sẽ cấp phép cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ 5G trên diện rộng.
Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G.
Một bất ngờ khác nữa của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G.Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, Bộ sẽ nghiên cứu, cấp phép cho các doanh nghiệp di động triển khai mạng 5G trong năm 2021. Trong đó dự kiến sẽ ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá.
“Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này. Cả thế giới mới có 4 nước sản xuất được thiết bị 5G. Nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G không phải việc dễ, mà là việc rất khó, cần đến sự hợp lực ”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việc sớm cung cấp dịch vụ 5G sẽ đưa viễn thông bước sang một không gian phát triển mới, một sứ mệnh mới, viễn thông không còn là hạ tầng thông tin liên lạc, mà trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Nếu viễn thông vẫn tiếp tục là hạ tầng thông tin liên lạc thì viễn thông sẽ vẫn chỉ là viễn thông. Nhưng nếu viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số, nếu viễn thông là hạ tầng của lưu trữ và xử lý dữ liệu, nếu viễn thông là hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ tới mọi người, mọi doanh nghiệp để giúp họ sáng tạo sản phẩm thì viễn thông đã trở thành hạ tầng sản xuất kinh của nền kinh tế số. Không gian mới, sứ mệnh mới của viễn thông đã và đang dần hình thành”.
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia, hiện tại xu hướng phát triển 5G đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu với hơn 300 nhà mạng tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ 5G, hệ sinh thái 5G tạo cơ hội phát triển rất tốt cho các startup.
“Việc Việt Nam sớm thương mại hóa 5G là nền tảng hỗ trợ cho startup rất tốt, đây thực sự là tin vui với các startup Việt Nam để xây dựng giải pháp mới cho trên môi trường 5G. 5G tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ cạnh tranh bình đẳng hơn”, ông Thiều Phương Nam nhấn mạnh. Theo quan điểm của Qualcomm, Việt Nam cần phải có dịch vụ trên băng tần cao cho 5G.
Cũng theo ông Thiều Phương Nam, việc thúc đẩy 5G tại Việt Nam là cơ sở quan trọng để thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Việt Nam nằm trong số những quốc gia đầu tiên thử nghiệm 5G và cũng nằm trong Top các quốc gia đầu tiên thương mại hóa 5G từ năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN, năm 2019 hệ sinh thái khởi nghiệp đang thu hút một lượng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tăng 5 lần so với 2017.
Theo các chuyên gia viễn thông, 5G sẽ thay đổi mọi thứ, 5G kết nối con người và máy móc, kết nối siêu tốc độ cao tới điện toán đám mây, đưa điện toán đám mây đến gần với con người hơn. Chuyển đổi 5G sẽ là cuộc chuyển đổi nhanh nhất so với các thế hệ di động trước đây. Nhìn lại trước đây với 4G trong năm đầu tiên chỉ có 4 nhà mạng trên thế giới triển khai và 5 nhà cung cấp thiết bị 5G. Nhưng với 5G thì ngay năm đầu tiên đã có 40 nhà mạng triển khai, với hơn 50 doanh nghiệp cung cấp thiết bị cho 5G và đến nay trên toàn cầu đã có hơn 200 các đơn vị cung cấp hạ tầng mạng và thiết bị đầu cuối cho 5G. Trên thế giới đã có hơn 100 quốc gia đang đầu tư tích cực vào 5G, vì họ hiểu rõ lợi ích kinh tế mà 5G mang lại khi sớm triển khai 5G.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là công nghệ. Với những dịch vụ mới chưa từng có, thì việc cần có thể chế nhanh kịp thời để 5G có thể trở thành cơ hội để các startup phát huy thế mạnh của họ”.
Theo đại diện của Qualcomm, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ startup tham gia đổi mới sáng tạo. Song vẫn cần có chính sách hỗ trợ các startup phát triển các sản phẩm ở Việt Nam, để họ được sở hữu các quyền sáng chế, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm do họ sáng tạo ra, từ đó họ có vị thế tốt hơn để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, hay vốn đầu tư thiên thần.
Khi Việt Nam sớm triển khai 5G cũng sẽ tạo nền tảng cho các startup sáng tạo công nghệ, sáng tạo ra các dịch vụ mới có tính năng, các nhà mạng thiết lập một hạ tầng mạng 5G là tạo ra 1 nền tảng cho các thành phần kinh tế có thể khai thác cung cấp dịch vụ trên nền tảng đó. Đây là các cơ hội cho các startup công nghệ sáng tạo ra các dịch vụ mới, cung cấp dịch vụ với tính năng đặc biệt của 5G. Các công ty khởi nghiệp sẽ tìm ra cách đi mới cho bản thân doanh nghiệp mình, quá trình đổi mới sáng tạo sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi 5G triển khai trên thực tế. 5G cũng tạo ra các cơ hội kinh doanh các dịch vụ mới cho các nhà mạng.
5G sẽ song hành đưa Việt Nam trở thành Quốc gia số
“Cơ hội cung cấp các dịch vụ mới đi theo 5G rất đa dạng và tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế. các cơ quan quản lý cần có đổi mới để xây dựng hành lang pháp lý phù hợp. Đổi mới đi sau 5G rất đa dạng và nhiều cơ hội cho mọi thành phần kinh tế”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông nói.
Hiện tại Việt Nam đã công bố chọn hướng công nghệ mở để phát triển 5G. Vì cách tốt nhất để đảm bảo an ninh mạng cho 5G là công nghệ mở. Để cho mọi quốc gia khi sử dụng thiết bị 5G của bất kỳ hãng công nghệ nào cũng vẫn có thể kiểm soát. Các công ty công nghệ Việt Nam cam kết các quốc gia khi sử dụng thiết bị 5G “Make in Vietnam” thì đều được cung cấp công cụ để có khả năng kiểm soát an ninh mạng của mình. Mở chính là con đường tạo ra niềm tin số toàn cầu. Và cũng vì cách tiếp cận công nghệ mở mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp toàn cầu có thể chung tay nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G Việt Nam.
Theo đại diện của Qualcomm, Việt Nam cần cải cách chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng cơ chế sandbox cho phép thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Đây là cơ hội tốt cho khởi nghiệm tham gia vào chiến lược Make in Vietnam. Mạng viễn thông Việt Nam sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về mặt công nghệ, hạ tầng để các doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm các sản phẩm mới như ứng dụng Big Data, AI, đặc biệt là chiến dịch thử thách sáng tạo của Qualcomm sẽ tạo cơ hội hỗ trợ các sản phẩm đặc biệt, thúc đẩy triển khai dịch vụ 5G ở Việt Nam.
Việc thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới trên mạng viễn thông Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam hoàn thiện các sản phẩm của mình, giúp các doanh nghiệp Việt có thể nhanh chóng đưa sản phẩm cung ứng ra các nước, có thể nhanh chóng tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị công nghệ cao cho thế giới.
Bên cạnh thử nghiệm của các nhà mạng trong cung cấp hạ tầng dịch vụ, thì ở Việt Nam việc thử nghiệm 5G còn có sự tham gia của các hãng sản xuất thiết bị tại Việt Nam. Các nhà sản xuất thiết bị có cơ hội thử nghiệm trên mạng thử nghiệm 5G của Việt Nam cùng với các nhà mạng. Thời gian qua, các thiết bị do các Tập đoàn Viettel, Vingroup sản xuất được đưa vào thử nghiệm trên mạng 5G cho người sử dụng. Các thiết bị IoT như y tế từ xa được thử nghiệm đưa cho người dùng thực tế tại Việt Nam.
Chia sẻ về tầm nhìn phát triển 5G, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết: “Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, do đó sẽ tiên phong thử nghiệm các mô hình công nghệ mới. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu tới năm 2025 mạng băng rộng cáp quang phổ cập đến 85% hộ gia đình, mạng 5G phổ cập ở Việt Nam, việc phát triển 5G có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Quốc gia số”.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/-thai-nghen-make-in-vietnam-va-thuong-mai-hoa-5g-dien-rong/20210208094803607