Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh của thị trường trái phiếu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi – Ảnh: VGP/HT
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi tại phiên Tọa đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023 – Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, chiều 17/12.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính ưu tiên rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trên thị trường chứng khoán (TTCK). Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. Các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề gia hạn, hoán đổi trái phiếu, định mức tín nhiệm và nhà đầu tư. Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường.
Về công tác truyền thông, ổn định tâm lý, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư, cần tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, đồng thời tăng cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm…
Về tổ chức thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ theo hai phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Đối với kênh phát hành ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành thì họ có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư.
Đối với kênh phát hành riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng có các chỉ đạo để có những giải pháp bình ổn lại thị trường.
Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó. Chẳng hạn như cơ cấu về mặt kỳ hạn, cơ cấu về mặt lãi suất, về mặt phương thức thanh toán trái phiếu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, đã chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro. Nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.
“Bước sang năm 2023 và các năm tiếp theo, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách và việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc điều hành hợp lý các thị trường tín dụng, tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tin thị trường vốn sẽ tiếp tục quay trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Về TPDN, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV phân tích, với quy mô phát hành lớn trong giai đoạn 2018-2021 và thời hạn khoảng 4 năm thì sẽ có một khối lượng TPDN đáng kể đáo hạn trong giai đoạn 2023-2025 (khoảng hơn 700.000 tỷ đồng, chưa tính tiền lãi). Vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường TPDN với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ là rủi ro mang tính trọng yếu trong năm 2023-2024, do đó, Chính phủ chỉ đạo có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi giải quyết rủi ro TPDN này là hết sức cần thiết.
Nguồn: Báo Chính phủ