Thu hút các dự án “khủng” từ cơ chế ưu đãi đầu tư vượt trội

Việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt là rất cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn.

Việc xây dựng Quyết định ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng về các mức ưu đãi đầu tư đặc biệt sẽ được phân làm 3 mức. Trong đó mỗi mức gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Mức 1: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 9% trong tối đa 20 năm, miễn thuế tối đa 5 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 10 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 18 năm và giảm tối đa 55%.

Mức 2: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 7% trong tối đa 30 năm, miễn thuế tối đa 6 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 12 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 20 năm và giảm tối đa 65%.

Mức 3: Thuế thu nhập doanh nghiệp với thuế suất 5% trong tối đa 37,5 năm, miễn thuế tối đa 6 năm và giảm 50% tiếp theo trong tối đa 13 năm; tiền thuê đất, thuê mặt nước miễn tối đa 22,5 năm và giảm tối đa 75%.

Như vậy, trong mỗi mức ưu đãi, chỉ có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là cố định, còn các ưu đãi khác sẽ linh hoạt theo khả năng đáp ứng tiêu chí cụ thể và tối đa theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên 4 tiêu chí cụ thể về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp Việt.

Theo dự thảo tờ trình của Bộ KH&ĐT, việc xây dựng Quyết định ưu đãi đầu tư đặc biệt nhằm hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tác đông lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, hướng tới nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ đề ra tại Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ KH&ĐT cho rằng, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định về ưu đãi đầu tư đặc biệt là rất cần thiết để hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư, tạo cơ chế thu hút, khuyến khích các dự án đầu tư có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan toả, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Về nguyên tắc áp dụng ưu đãi, Bộ KH&ĐT cho rằng, ưu đãi đầu tư đặc biệt áp dụng cho dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2, điều 20 của Luật Đầu tư năm 2020. Nguyên tắc áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được thực hiện theo quy định tại khoản 6, điều 20 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Trao đổi với báo giới, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Dự thảo đã xây dựng chi tiết các mức ưu đãi và tiêu chí để được hưởng ưu đãi. Mức ưu đãi được đặt ra cũng tương đối khả thi. Tuy nhiên, những ưu đãi trong dự thảo mới đề cập đến thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất, thuê mặt nước. Để tăng tính cạnh tranh, có thể mở rộng phạm vi ưu đãi, như giảm thuế thu nhập cá nhân trong một vài năm, được trích khấu hao cơ bản nhanh hơn, được giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội, đóng vào quỹ công đoàn,…

Nếu Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Quyết định, đây có thể sẽ là cú hích để các nhà đầu tư như  AT&S sớm ra các quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Ông cũng cho rằng, Chính phủ cần có quy định ưu đãi đặc biệt đối với loại dự án như Trung tâm R&D, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Vườn ươm doanh nghiệp…, không thể ghép vào như một phần của doanh nghiệp công nghệ cao.

Cũng theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, chính sách ưu đãi đặc biệt không chỉ doanh nghiệp FDI mới được hưởng, mà trên thực tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nội địa đáp ứng được các tiêu chí đặt ra. Chính sách ưu đãi hấp dẫn sẽ thu hút được những nhà đầu tư chiến lược với những cam kết cụ thể. Điều này cũng chính là góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển vì khi đó doanh nghiệp trong nước sẽ được nhận chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI hay trở thành đối tác cung ứng dịch vụ, hàng hoá, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đầu vào của doanh nghiệp FDI.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, nếu Chính phủ sớm thông qua Dự thảo Quyết định, đây có thể sẽ là cú hích để các nhà đầu tư như Intel, AT&S, thậm chí cả Millennium Energy sớm ra các quyết định đầu tư ở Việt Nam.

Mới đây, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các đề xuất ưu đãi đầu tư cho giai đoạn II của Intel. Mặc dù chi tiết không được tiết lộ, song Intel là một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ cao, thì rất có thể, đây sẽ là các đề xuất liên quan đến các chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng gay gắt, với việc Indonesia, Philippines, Thái Lan… liên tục có các động thái sửa đổi chính sách để tăng cường thu hút đầu tư, nếu Việt Nam có thêm cơ chế ưu đãi đặc biệt, thì sẽ là một lợi thế lớn.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM