Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vốn ngân hàng

Việt Nam nên tạo điều kiện giúp nền kinh tế tăng trưởng cao nhưng ít dựa vào nguồn vốn ngân hàng hơn. Từ đó bắt buộc sử dụng nhiều hơn thị trường vốn để đảm bảo tính tuần hoàn và giảm rủi ro vĩ mô.

Cải thiện cầu tín dụng

Lãi suất toàn cầu hiện nay vẫn gia tăng, cụ thể như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và một số quốc gia khác như Úc… đang tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao.

Những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi đưa lãi suất đi ngược xu hướng toàn cầu đã mang lại hiệu quả tốt

Trong bối cảnh đó, những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khi đưa lãi suất đi ngược xu hướng toàn cầu đã mang lại hiệu quả tốt. Đó là mặc dù chúng ta giảm lãi suất, nhưng vẫn duy trì được các chỉ số kinh tế vĩ mô lớn liên quan đến chính sách tiền tệ, điển hình là chỉ số về giá tiêu dùng ở mức khoảng 3,1% trong 6 tháng đầu năm; hay lạm phát cơ bản vẫn ở mức 4,5% sau 8 tháng và đang được khống chế. Ngoài ra, tỷ giá hối đoái trong những tuần vừa qua có áp lực tăng mạnh hơn, song cũng vẫn duy trì tương đối ổn định.

Có thể thấy, với mức dư nợ của nền kinh tế khoảng trên 12,49 triệu tỷ đồng, thì chỉ cần giảm lãi suất trung bình cho vay khoảng 1 điểm phần trăm một năm, cũng giúp chúng ta đã tiết kiệm được 120.000 tỷ đồng, tương đương với 5 tỷ đô la Mỹ. Nếu giảm được 2 điểm phần trăm thì con số này sẽ tăng gấp đôi, nghĩa là chi phí lãi vay với nền kinh tế có thể được giảm từ 5-10 tỷ USD mỗi năm.

Về phía các tổ chức tín dụng, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn sẵn sàng, thanh khoản vốn đảm bảo, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cũng được duy trì trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm nghẽn mà chúng tôi thấy đó là lãi suất cho vay còn tương đối cao, giá của tín dụng vẫn vượt quá khả năng chịu đựng của nhiều doanh nghiệp khi tính toán phương án sản xuất, kinh doanh như hiện tại.

Nhìn một cách đầy đủ hơn là tăng trưởng tín dụng năm nay nằm nhiều hơn ở phía cầu, bao gồm nhu cầu về tín dụng của các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh và của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Một loạt ngành nghề sản xuất, trong đó có lĩnh vực chế biến chế tạo, ngành bất động sản, ngành phục vụ cho bất động sản như những doanh nghiệp xi măng, sắt, thép cùng một số ngành có liên quan cũng đều bị ảnh hưởng. Điều này khiến nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chưa đủ lớn để đẩy mạnh được sự tăng trưởng tín dụng giống mọi năm.

Tôi cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cho người tiêu dùng là điều rất cần thiết; nhưng việc hạ lãi suất phải đảm bảo một số yếu tố sau:

Thứ nhất, đảm bảo sự ổn định về kinh tế vĩ mô. Hạ lãi suất hoàn toàn vì ý chí mà không cân nhắc đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá hối đoái,… thì có thể ảnh hưởng đến những yếu tố này.

Thứ hai, việc hạ lãi suất bằng cách sử dụng quá nhiều chương trình tín dụng thông qua cấp bù lãi suất, hoặc hỗ trợ lãi suất ở dưới mức thị trường… có thể thực hiện được, nhưng chỉ nên triển khai ở một số chương trình trọng điểm, có mục tiêu, phạm vi vừa phải và trong thời gian nhất định.

Thứ ba, cũng đặc biệt quan trọng đó là chúng ta nỗ lực hạ lãi suất nhưng trên nguyên tắc không hạ chuẩn tín dụng. Nếu tìm cách bơm vốn ra thị trường và song song với đó là hạ chuẩn tín dụng, mở các kênh tín dụng rộng rãi hơn cho những dự án không đủ tính khả thi, không đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai, hoặc dự án có tính đầu cơ cao sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế. Việt Nam đã nhìn thấy những bài học từ trong các cuộc khủng hoảng trước.

Như chúng ta thấy sau 8 tháng, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có những tín hiệu tích cực hơn, tiêu biểu là tốc độ suy giảm xuất khẩu đã chững lại và có xu thế quay trở lại đà tăng trưởng trong những tháng sắp tới. Điều này có ý nghĩa rất lớn, là chỉ dấu cho ngành sản xuất, chế biến chế tạo dự kiến sẽ phục hồi.

Đáng chú ý, ngành du lịch cũng đã có dấu hiệu khởi sắc đáng khích lệ. Mặc dù chưa đạt được mức độ như trước đại dịch, nhưng những con số về khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ. Từ đó để thấy, đây là những lĩnh vực cần phải tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và có tâm thế chuẩn bị tốt hơn khi nền kinh tế trở lại mức độ tăng trưởng như trước đây.

Để nền kinh tế vượt qua khó khăn, chúng ta vẫn cần những hỗ trợ của Nhà nước với các biện pháp gồm giãn, hoãn nộp thuế; giãn hoãn thời gian nộp tiền thuê đất… Bên cạnh đó, các giải pháp như giảm thuế VAT cần được tiếp tục để kích thích niềm tin của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, bán buôn bán lẻ,… Nếu cầu tín dụng được cải thiện thì chắc chắn nền kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện.

Giảm phụ thuộc vốn ngân hàng

Mặt khác, Việt Nam cũng cần có tầm nhìn mang tính dài hạn hơn, là làm thế nào để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Chúng tôi cho rằng, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong năm 2024 và những năm kế tiếp, để có thể tránh được những khó khăn đã gặp như trong thời gian vừa qua.

Nền kinh tế ít dựa vào nguồn vốn ngân hàng hơn sẽ tạo dư địa để bắt buộc sử dụng nhiều hơn thị trường vốn

Những biện pháp trợ lực khác có thể kể đến như hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường. Thực tế là một số ngành sản xuất, một số khu vực doanh nghiệp hiện nay đã không còn có những thế mạnh như trước, nhất là những doanh nghiệp sử dụng lao động giá rẻ làm thế mạnh khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Dù trong những tháng tới đây kinh tế sẽ hồi phục, nhưng trong trung hạn cần có sự chuẩn bị từ xa để các doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn. Chúng ta phải giúp các doanh nghiệp nhận biết được cơ hội mới của nền kinh tế đến từ quá trình chuyển dịch năng lượng, hay chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Một vấn đề tôi muốn đề cập đó là, chúng ta nên làm thế nào để đặt tăng trưởng kinh tế mà không nên đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là mục tiêu của một năm. Điều đó có ý nghĩa là giảm việc sử dụng nguồn vốn đầu vào, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Qua đó, giúp nền kinh tế ít dựa vào nguồn vốn ngân hàng hơn đồng thời tạo dư địa để bắt buộc sử dụng nhiều hơn thị trường vốn. Trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, giúp đảm bảo tính tuần hoàn và giảm bớt rủi ro về mặt kinh tế vĩ mô.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM