Mục tiêu kinh tế chỉ là phương tiện để chúng ta đạt được những mục tiêu khác. Văn hóa cao, văn minh của dân tộc mới là cái cần phấn đấu và thực hiện.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành VCCI Khóa VII.
Ông Lê Viết Hải nhấn mạnh, tiền nhiều không phải là mục tiêu của mỗi người, mà hạnh phúc, trí thức cao, có được đời sống tinh thần phong phú mới là mục tiêu đặt ra cho một cá nhân và dân tộc. “Xây dựng văn hóa là mục tiêu đúng đắn của VCCI”, ông Hải bày tỏ.
Vẫn theo ông Lê Viết Hải, xây dựng văn hóa phải xuất phát từ doanh nhân và chính khách là hoàn toàn chính xác. Vì đây là những người luôn phải gương mẫu, không thể kêu gọi người dân mua sản phẩm nội, còn chính khách và doanh nhân lại phô trương bằng những sản phẩm hàng hóa “siêu sang” của nước ngoài.
Còn theo PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, đặt vấn đề văn hóa kinh doanh vào thời điểm này là rất đúng vì văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt. Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đổi mới, có nhiều ý kiến đề xuất gọi tên công cuộc đổi mới tiếp theo là Đổi mới 2.
Nói một cách ngắn gọn, Việt Nam đang trong thời kỳ thay đổi rất lớn và các giá trị khác cũng thay đổi. Trong đó, nói đến văn hóa là nói đến các chuẩn mực, niềm tin, đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân…
Trong giai đoạn thay đổi rất nhanh này, văn hóa là thứ giúp cho chúng ta điều chỉnh hành vi của mình, giúp cho sự đoàn kết trong cộng đồng các doanh nghiệp, nói rộng hơn là đoàn kết quốc gia.
“Tầm quan trọng của văn hóa được ví như một chất kết dính các thành viên, ở tầm quốc gia là chất kết dính cộng đồng doanh nghiệp, giúp tăng sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong quan hệ với các đối tác toàn cầu, văn hóa tạo ra cho chúng ta sự đặc sắc của doanh nghiệp Việt Nam, văn hóa Việt Nam”, ông Lợi khẳng định.
Đề cập đến văn hóa Việt Nam, ông Lợi lấy một ví dụ điển hình về ngày tết cổ truyền dân tộc. Vào thời khắc giao thừa, gần 100 triệu con người Việt Nam đều có suy nghĩ giống nhau, hành động giống nhau, mặc dù không có sự “bàn bạc”.
Đó là, ai cũng mong muốn những điều tốt đẹp đến với người thân, gia đình, quốc gia và “cam kết” năm mới sẽ phấn đấu cao hơn nữa trong công việc, hoàn thành tốt nhất những công việc đang tâm huyết.
Bình luận về văn hóa kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) đặt câu hỏi, tại sao doanh nhân Nhật Bản luôn nhận được sự kính trọng khi đi ra thế giới? Ông Tín cho rằng, điều này xuất phát từ văn hóa kinh doanh của người Nhật, và ông Tín mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đến một lúc nào đó cũng được nể trọng như doanh nhân Nhật Bản.
“Chúng ta đã có đề cương văn hóa kinh doanh Việt Nam. Tuy nhiên, phải đưa những vấn đề trừu tượng thành cụ thể, không nói chung chung, như ứng xử đạo đức mà quy định luôn quy tắc ứng xử của từng doanh nhân trong môi trường hiện nay. Đây là việc làm lâu dài nhưng chúng ta phải có sự đầu tư hết sức nghiêm túc”, ông Tín nói.
Đồng thời, mỗi người Việt Nam cũng trở nên vị tha hơn, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của người khác đã gây ra cho mình trong năm cũ. “Những giá trị tốt đẹp đó có được là từ văn hóa truyền thống của dân tộc”, ông Lợi chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lợi cho rằng, nếu chúng ta xây dựng được văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh Việt Nam thì các giá trị văn hóa này sẽ là chất kết dính các thành viên, giúp đoàn kết cộng đồng doanh nghiệp, giúp tăng sức mạnh của mỗi doanh nghiệp và tập thể doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh quốc tế.
Vậy, việc xây dựng văn hóa kinh doanh có cần thiết hay không? Ông Lợi khẳng định, điều đó vô cùng cần thiết vào thời điểm này. Vì nhìn ra sẽ thấy, bên cạnh rất nhiều doanh nghiệp có những hoạt động và đóng góp rất lớn cho xã hội, cho nền kinh tế đất nước, thì đâu đó cũng vẫn còn có những doanh nghiệp khiến chúng ta không khỏi lo lắng và cảm thấy buồn, ví dụ như vụ Việt Á.
Mục tiêu của đất nước về bản chất là hướng đến văn hóa, phát triển kinh tế chỉ là công cụ để chúng ta thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
“Đây là những mục tiêu mang đậm bản chất văn hóa. Mặc dù chúng ta hoạt động trong lĩnh vực kinh tế nhưng văn hóa lại đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Văn hóa sẽ giúp doanh nghiệp tăng thêm sức mạnh và hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lợi nhấn mạnh.
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp