Phản hồi đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhất trí quan điểm, phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Do đó, phải đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bám sát và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu quan trọng trong những nhiệm kỳ tiếp theo, như tới năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao và tới năm 2045, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển.
Dự thảo đặt ra chỉ tiêu “Đạt 1,5 triệu doanh nghiệp”. Theo VCCI, chưa rõ đây là số doanh nghiệp “đăng ký thành lập” hay là “đang hoạt động”? Nếu xác định là số doanh nghiệp đang hoạt động thì có thể phản ánh sát hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế, mức độ thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy và tạo điều kiện để các chủ thể kinh doanh có thể hoạt động. Thêm nữa, Nghị quyết 10 cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động. Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ mục tiêu này theo hướng: đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động.
Nội dung của dự thảo lần này cũng đề ra mục tiêu: “Khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 – 70% GDP cả nước, khoảng 30 – 35% tổng việc làm trong nền kinh tế và 98 – 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu…”. VCCI thấy rằng, đặt mục tiêu như vậy là chưa làm rõ được tỷ trọng, vai trò của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước như thế nào so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi doanh nghiệp trong nước mới là động lực bền vững lâu dài, là rường cột cho sự phát triển của quốc gia.
Hay, dự thảo đề cập đạt: “Khoảng 35 – 40% tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; 100% cơ sở kinh doanh bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số”…. cũng sẽ rất khó định lượng và đánh giá kết quả đạt được.
Dự thảo cũng đề ra chỉ tiêu có “30.000 cơ sở kinh doanh được hỗ trợ chuyển đổi số”, như vậy là quá nhỏ và chiếm tỷ lệ quá thấp nếu so sánh với con số mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, chưa kể cộng thêm số hợp tác xã và hộ kinh doanh đang có. Nếu tính ra số lượng từng năm cho mỗi địa phương trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì con số thực hiện hàng năm còn nhỏ hơn nữa. Thêm vào đó, dự thảo cũng không nêu rõ mức độ chuyển đổi số như thế nào.
Vì vậy, VCCI đề nghị nâng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số và làm rõ mức độ chuyển đổi số; đồng thời, cân nhắc sử dụng một số mục tiêu cụ thể hơn, như: Về phát triển doanh nghiệp tư nhân trong nước, dự thảo cần điều chỉnh nội dung theo hướng: Doanh nghiệp tư nhân đăng ký chính thức theo Luật Doanh nghiệp đến năm 2025 có đóng góp 15% GDP, năm 2030 có đóng góp 20% của GDP. Có ít nhất 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và 10 tập đoàn tư nhân trong nước quy mô lớn trong lĩnh vực dịch vụ.
Đồng thời, đến năm 2025 sẽ chuyển đổi ít nhất 10% số hộ kinh doanh có đăng ký chính thức sang thành doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn. Tăng cường tỷ lệ nội địa hoá của các ngành tăng thêm 10% vào năm 2025, năng lực tự chủ tự cường, tự lập, nâng cao tính kết nối của doanh nghiệp tư nhân trong tham gia chuỗi sản xuất. Song song với đó, tăng cường chất lượng nhân lực với tỷ lệ lao động có kỹ năng tăng 10 bậc so với hiện tại và tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.
Về phát triển kinh tế số, dự thảo cần ghi rõ, doanh thu từ kinh doanh số của các doanh nghiệp sẽ tăng trung bình ít nhất 10% mỗi năm. Số lượng doanh nghiệp có chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ tăng trung bình 10% mỗi năm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh khai thác ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA đạt từ 40-45%. (Hiện nay, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan trung bình theo các FTA của Việt Nam khá khiêm tốn, năm vừa qua chỉ đạt 32,7%. Cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan, bởi đây là khía cạnh lợi ích dễ hiện thực hóa nhất của các FTA từ góc độ doanh nghiệp).
Liên quan tới nội dung xây dựng thể chế, dự thảo đưa ra quan điểm “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý” là phù hợp, tạo ra cơ chế quản lý vừa đảm bảo mục tiêu quản lý của Nhà nước vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, “nguyên tắc quản lý rủi ro” được áp dụng trong một số lĩnh vực như thuế, hải quan…, đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; đồng thời giảm bớt gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Do đó, VCCI đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc này trong cơ chế quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới, cụ thể như sau: “đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, minh bạch và hợp lý”./.
Theo
https://bnews.vn/vcci-de-xuat-muc-tieu-1-5-trieu-doanh-nghiep-dang-hoat-dong-vao-nam-2025/257116.html