Ngày 13/10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho phát triển đất nước. Với việc đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, khai thác, sử dụng các nguồn lực, doanh nhân Việt Nam đã và đang là lực lượng chủ lực trong việc thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Động lực quan trọng của nền kinh tế
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.
Hiến pháp 2013 cũng khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, chính nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đến nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới (đạt gần 740 tỷ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Đồng thời, VN cũng có đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ yếu, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 870 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm gần 97% số doanh nghiệp của cả nước… Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. VN đã có những doanh nhân lọt vào nhóm các “tỷ phú USD”. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
VCCI với chặng đường 60 năm đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.
Trên chặng đường đó, VCCI đã phát động và triển khai nhiều hoạt động quan trọng vì sự phát triển của doanh nghiệp, cụ thể như: Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân; Chủ động đề xuất và tham gia xây dựng đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế” – văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về doanh nhân; Nghiên cứu, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) từ năm 2005 và tiến hành công bố hàng năm, qua đó thúc đẩy nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách hành chính ở các địa phương; Phát động và đi đầu trong phát động phong trào thúc đẩy khởi nghiệp với Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia từ năm 2002.
Từ năm 1994 VCCI đã đi đầu trong thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Thúc đẩy thực thi xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ trong các doanh nghiệp. Đi đầu trong dẫn dắt, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững, với việc thành lập Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững từ năm 2010 và đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp phát triển bền vững hàng năm. Đặc biệt, VCCI đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam năm 2022 và phát động việc áp dụng các quy tắc đạo đức này trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, tạo tiền đề thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh Việt Nam.
VCCI là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước. Định kỳ hàng tháng, hàng quý VCCI tổng hợp các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị để xử lý, giải quyết.
Mỗi năm hệ thống VCCI trong cả nước tổ chức hàng nghìn hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tư vấn đào tạo doanh nghiệp, các hoạt động giao lưu quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực và phát triển sản xuất kinh doanh. VCCI cũng là chỗ dựa và kết nối hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong cả nước. Từ 93 hội viên ban đầu, đến nay VCCI có mạng lưới hội viên toàn quốc gồm trên 200 nghìn DN và trên 200 hiệp hội doanh nghiệp.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao thì đòi hỏi phải tiếp tục xác định: Phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đội ngũ doanh nhân tư nhân là một trong những lực lượng nòng cốt, phải không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường đưa đất nước phát triển bền vững.
Trên tinh thần đó, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Việt Nam cần tập trung giải quyết một số vấn đề. Trước tiên, về phía chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu quả; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội theo hình thức hợp tác công – tư. Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp…
Đất nước sau 37 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Chưa bao giờ nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Từ một quốc gia sau chiến tranh thuộc nhóm nghèo, lạc hậu nhất thế giới, hôm nay kinh tế Việt Nam đứng trong TOP40 thế giới về GDP, TOP20 về quy mô thương mại quốc tế. Trong thành tựu chung của đất nước, rất tự hào có phần đóng góp của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, tất cả mới là bước đầu. Hướng về tương lai, sứ mệnh của doanh nhân là rất nặng nề trước mục tiêu và khát vọng của dân tộc. Tháng 1/2021, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Tháng 12/2021, Đại hội VCCI lần thứ VII đưa ra tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng. Sự thịnh vượng của một quốc gia luôn gắn liền với sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, VCCI cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chính sách, tham gia hoàn thiện môi trường thể chế để nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, nhưng còn nhiều việc cần phải làm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong giai đoạn mới cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an ninh, an toàn để doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển. VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công Một trọng tâm lớn nữa mà VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới, đó là xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để tự định vị bản sắc và vị thế của mình trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp quốc tế. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam cần được xây dựng dựa trên kết hợp những tinh hoa của văn hoá Việt Nam với tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới. Văn hoá phải trở thành sức mạnh mềm, soi đường và tiếp sức cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, có vị thế và uy tín ngày càng cao ở trong nước cũng như quốc tế. (Trích phát biểu Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống VCCI được tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/4/2023) |
Nguồn: Vietnam Business Forum