Khảo sát nhằm đánh giá kịp thời tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp sau khi tiếp tục phải gánh chịu những tác động từ đợt bùng phát đại dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm 2021.
Thời gian vừa qua, được sự ủng hộ và chung sức của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tập hợp được nhiều kiến nghị để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn gây ra bởi COVID-19
Để có cơ sở tiếp tục báo cáo với Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, VCCI tổ chức “Khảo sát sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam Quý I/2021”. Mục đích của cuộc khảo sát nhằm đánh giá kịp thời tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sau khi tiếp tục phải gánh chịu những tác động từ đợt bùng phát đại dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm 2021.
Đồng thời, khảo sát còn đánh giá về các điều kiện kinh doanh và dự báo hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong quý II/2021, từ đó đề xuất kiến nghị với Chính phủ các giải pháp thúc đẩy thực hiện các chính sách đã ban hành cũng như đề xuất các chính sách, giải pháp mới.
VCCI trân trọng đề nghị quý doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ thực hiện khảo sát thông qua mẫu phiếu gửi kèm hoặc điên phiếu khảo sát trực tuyến trước ngày 25/04/2021.
Link khảo sát: https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSfz6i8kMQ95SVnN-J1ehYq5ryvAkSovfb5AoZz27lN3BsBRtA/viewform
Trước đó, VCCI đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố “Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp 2020”.
Báo cáo được thực hiện qua khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới toàn nền kinh tế và những cách thức ứng phó của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất từ đại dịch COVID-19.
Cụ thể, 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch COVID-19.
Phân chia theo ngành, doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bao gồm May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực thấp nhất, song vẫn xung quanh mức 80%, như: Bất động sản (76%), Khai khoáng (80%) và Dịch vụ khác (81%).
Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Một số nhóm ngành có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn mức ảnh hưởng phần lớn/hoàn toàn tiêu cực ít hơn cả, bao gồm: Sản xuất chế biến giấy (76%), Tài chính, bảo hiểm (80%) và Sản xuất chế biến cao su, nhựa (82%).
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp