Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại sự kiện Hanoi PlasPrintPack 2023
Để đáp ứng các cam kết quốc tế và theo đuổi các tiêu chuẩn của nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách đổi mới theo hướng bền vững. Một trong số đó là chủ trương đẩy mạnh công tác thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Đối với ngành nhựa, bao bì, in ấn của Việt Nam, xu thế trên đặt ra những cơ hội và thách thức không nhỏ. Trước hết, đó là cơ hội đổi mới về công nghệ và nguyên vật liệu theo hướng xanh hóa cho ngành.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng, ngành công nghiệp nhựa, bao bì, in ấn Việt Nam vẫn ghi nhận sự tăng trưởng bất chấp tác động của Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu. Đây được xem là ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò to lớn trong sản xuất của nước ta.
“Ngành công nghiệp nhựa, bao bì, in ấn ghi nhận sự tăng trưởng nhanh, được đánh giá là ngành công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng lớn ngày càng yêu cầu những sản phẩm có công nghệ cao, quy trình sản xuất và quản lý hiện đại để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Triển lãm về ngành Nhựa, In ấn, Đóng gói, Bao bì (Hanoi PlasPrintPack 2023) ngày 8/6.
Tuy nhiên, trước xu thế mới, ngành công nghiệp này của Việt Nam cũng đối mặt nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng ngành đang có dấu hiệu chậm lại từ đầu năm 2023 do các yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp này vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, chiếm tới 70-80% trong nhiều năm qua. Hệ thống máy móc thiết bị cũng chưa được Việt Nam tự chủ mà 100% nhập từ nước ngoài.
Do đó, để thực sự khai thác được các tiềm năng để chuyển đổi theo hướng bền vững, các doanh nghiệp nhựa tại Việt Nam cần thực sự nắm rõ lộ trình trong kinh tế tuần hoàn. Đó là việc thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên tiếp tục khuyến khích ưu tiên các chất liệu tạo ra nhựa được tái chế, tái sử dụng; cũng như thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế…
Theo lãnh đạo VCCI, nền kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang theo đuổi lấy việc tái sử dụng tuần hoàn nguyên liệu làm trọng tâm, giảm tiêu hao nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường.
Do đó, việc chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường là một xu hướng không thể khác của ngành nhằm đáp ứng các mục tiêu kinh tế – xã hội và môi trường trong tương lai.
Theo TRƯỜNG ĐẶNG – NGUYỄN VIỆT (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)
https://diendandoanhnghiep.vn/nhu-cau-nang-cap-va-chuyen-doi-nganh-nhua-in-an-va-bao-bi-trong-kinh-te-tuan-hoan-245449.html