Trả lời Công văn số 5193/BTC-HTQT ngày 7/5/2019 của Quý Cơ quan về việc xin ý kiến đối với Dự thảo Tờ trình và Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
- Về Dự thảo Tờ trình
Do chưa có bất kỳ thông tin nào về nội dung Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba, VCCI tạm thời chưa thể đưa ra ý kiến về Danh mục cam kết cũng như lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định nói chung cũng như trong giai đoạn 2018-2022 nói riêng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cung cấp thông tin về vấn đề này.
Trước mắt, liên quan tới Danh mục cam kết, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ thêm về tỷ trọng các dòng thuế có cam kết (theo nhóm lộ trình cam kết) trong tổng Biểu thuế. Dự thảo Tờ trình hiện mới chỉ xác định tỷ trọng các nhóm dòng thuế cam kết (xóa bỏ ngay, có lộ trình và duy trì thuế suất cơ sở) theo Tổng số dòng thuế có cam kết (563 dòng).
- Về Dự thảo Nghị định
- Về thời điểm ký ban hành Nghị định
Khoản 3 Điều 3 về Lộ trình cắt giảm thuế trong Biểu thuế suất hiện quy định “thuế suất áp dụng cho từng năm, được áp dụng từ ngày … tháng… năm 2019 (sẽ bổ sung sau khi Hiệp định được phê duyệt) đến ngày 31/12/2022”
Cách quy định thế này có thể hiểu là Nghị định sẽ ban hành trước khi Hiệp định được phê duyệt, và sau khi Hiệp định phê duyệt sẽ sửa Nghị định để bổ sung?
Nếu đây là cách hiểu đúng thì cần cân nhắc lại điều này bởi:
- Trong một văn bản pháp lý không thể có một quy phạm “chờ” như thế này (kể cả khi chưa xác định được thì ít nhất cũng phải là quy định “Thời điểm Hiệp định có hiệu lực”)
- Theo cách này thì khi Hiệp định được phê chuẩn chúng ta vẫn lại sửa Nghị định đã ban hành. So với việc chờ tới khi Hiệp định phê chuẩn và xác định rõ thời điểm rồi mới ban hành Nghị định thì rõ ràng cách này không hợp lý, làm tăng gấp đôi quy trình ban hành, thậm chí biến thành 02 Nghị định (bởi việc điều chỉnh sẽ phải được thực hiện bằng một Nghị định với số hiệu mới).
Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:
- Chỉ trình Chính phủ ban hành Nghị định này sau khi Hiệp định đã phê chuẩn và xác định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực
- Sửa Khoản 3 Điều 3 Dự thảo theo hướng: Xác định rõ ngày bắt đầu lộ trình đầu trong Cột thuế suất VN-CU, và bỏ đoạn “sẽ bổ sung sau khi hiệp định được phê duyệt”
- Cần chú ý là về mặt pháp lý, các cam kết bắt đầu thực hiện từ ngày Hiệp định có hiệu lực chứ không phải từ ngày Hiệp định được phê duyệt (kể cả trong trường hợp ngày phê duyệt là ngày có hiệu lực thì vẫn phải nêu “ngày có hiệu lực” – hơn nữa, việc phê duyệt phụ thuộc vào hai Bên, do đó sẽ không có một thời điểm phê duyệt chung được).
Cũng như vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại Điều 6 (Hiệu lực thi hành) để bảo đảm các quy định trong Nghị định có hiệu lực kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực (cách thức có thể tương tự với cách mà Nghị định ban hành Biểu thuế ưu đãi thực hiện CPTPP hiện tại).
- Về một số điểm khác
- Khoản 3 Điều 4: Chính xác phải là “Được vận chuyển trực tiếp từ Cuba vào Việt Nam phù hợp với quy định của Bộ Công Thương”
- Điều 5: Chính xác phải là “Hàng hóa từ khu phi thuế quan…. được áp dụng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Nghị định này nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 và khoản 4 Điều 4 Nghị định này”
- Tại sao quy định tại khoản 3 Điều 4 thì dẫn chiếu trực tiếp tới “quy định của Bộ Công Thương” trong khi khoản 4 Điều 4 (và Điều 5 Dự thảo hiện tại) lại dẫn chiếu chung tới “quy định hiện hành của pháp luật”?
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đang tiến hành triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên phạm vi cả nước là đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo này bằng việc đăng tải công khai Dự thảo trên trang web www.vibonline.com.vn của VCCI. VCCI sẽ chuyển tới Quý Cơ quan các góp ý nhận được (nếu có)./
(Ban pháp chế VCCI)