Trả lời Công văn số 6032/BTC-HTQT ngày 27/5/2019 của Quý Cơ quan về việc xin ý kiến đối với Dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020 (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
- Về Danh mục hàng hóa (Điều 3)
- Liên quan tới cách thức quy định về ưu đãi cho gạo và lá thuốc lá
Gạo và lá thuốc lá là hai mặt hàng duy nhất thuộc diện ưu đãi theo hạn ngạch thuế quan). Hiện ưu đãi với hai sản phẩm này được Dự thảo quy định cả trong 02 Phụ lục I và II.
Cách quy định này có lẽ là không thích hợp bởi:
- Điều kiện hưởng ưu đãi của 02 nhóm sản phẩm này khác với các sản phẩm khác trong cùng Phụ lục I là khác nhau
- Việc nêu 02 sản phẩm này trong Phụ lục I không có ý nghĩa nào
- Hiện Điều 5 đã được thiết kế riêng cho 02 nhóm sản phẩm này
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ 02 nhóm sản phẩm gạo và lá thuốc lá khỏi Phụ lục I
- Về thuật ngữ sử dụng
Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại các quy định như sau:
- Phụ lục I dùng từ “mặt hàng”, Phụ lục II lại dùng từ “hàng hóa”? Đề nghị Ban soạn thảo sử dụng thống nhất thuật ngữ
- Phụ lục II cần nêu rõ diện ưu đãi (ví dụ “hạn ngạch thuế quan đặc biệt”) để tránh gây nhầm lẫn (Dự thảo chỉ nêu diện là “hạn ngạch thuế quan” – diện này có thể lẫn với về “hạn ngạch thuế quan” theo ATIGA, WTO)?
- Phụ lục III cần điều chỉnh lại cho chính xác, ví dụ “Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng ưu đãi theo Bản Thỏa thuận Việt Nam-Campuchia”
- Về thuế suất ưu đãi đặc biệt và điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt (Điều 4)
Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh một số nội dung của Điều này như sau:
- Không ghi mức thuế ưu đãi (0%) trong tiêu đề của Điều
- Khoản 1: Khoản này suy đoán là quy định về mức thuế suất ưu đãi đặc biệt, vì vậy chỉ cần thiết kế quy định trực tiếp vào nội dung, ví dụ “Mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Bản Thỏa thuận Việt Nam – Campuchia là 0%”
- Khoản 2: Khoản này suy đoán là quy định về điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi, do đó tất cả điều kiện nên quy định ở đây, bao gồm: (i) Loại mặt hàng (phải thuộc Phụ lục I), (ii) có xuất xứ (Giấy C/O form S) và (iii) Cửa khẩu nhập (phải thuộc Phụ lục III).
- Về thuế suất và hạn ngạch thuế nhập khẩu với gạo và lá thuốc lá (Điều 5)
Quy định hiện tại của Dự thảo rất rối, khó theo dõi. Đề nghị Ban soạn thảo thiết kế lại Điều này như sau:
- Khoản 1 quy định về Thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch (là 0%)
- Khoản 2 quy định về Điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi trong hạn ngạch (hàng hóa thuộc Phụ lục II, có Giấy C/O form S, nhập khẩu qua cửa khẩu thuộc Phụ lục III, điều kiện Bộ Công Thương quy định – có dẫn chiếu cụ thể)
- Khoản 3 quy định về Thuế suất ngoài hạn ngạch cho gạo
Khoản 4 quy định về Thuế suất ngoài hạn ngạch cho lá thuốc lá
Đối với trường hợp thuế suất ngoài hạn ngạch, cần dẫn chiếu cụ thể tới văn bản liên quan.
- Về hàng hóa nông sản (Điều 6)
Không rõ quy định tại Khoản 1 và 2 của Điều 6 Dự thảo là nhằm mục đích gì, bởi:
- Nếu theo quy định chung của pháp luật về xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, thuế xuất nhập khẩu… thì không cần nêu trong Nghị định này (suy đoán là ngoài các trường hợp đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi tại Điều 4 và 5 thì tất cả các trường hợp khác sẽ áp dụng pháp luật thông thường)
- Phạm vi hàng hóa nông sản nêu tại khoản 1 có thể bao trùm hàng hóa nêu tại Điều 4 và 5 Dự thảo, dẫn tới nhầm lẫn
- Nếu là cần một điều khoản để làm rõ rằng các ưu đãi trước đây (dành cho nông sản chưa qua chế biến do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Campuchia) sẽ không còn hiệu lực kể từ sau Nghị định này thì chỉ cần quy định trong Điều 7 – Tổ chức thực hiện về việc bãi bỏ các văn bản xyz trước kia là đủ.
Khoản 3 Điều 6 thực chất là để làm rõ cách thức tính hạn ngạch cho các hàng hóa ở Điều 5. Do đó sẽ thích hợp hơn nếu chuyển quy định này sang Điều 5.
Từ các lý do nêu trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc:
- Bỏ Điều 6
- Bổ sung 01 khoản về giá trị pháp lý của các văn bản liên quan trước đây vào Điều về Tổ chức thực hiện
- Chuyển khoản 3 Điều 6 lên Điều 5 Dự thảo
- Về thuật ngữ
Dự thảo hiện sử dụng thuật ngữ “Vương quốc Campuchia” trong tất cả các quy định có liên quan tới Campuchia.
Tuy nhiên, cách viết đầy đủ tên hiệu của một nước chỉ cần thiết khi đề cập tới Bản Thỏa thuận (như tại Điều 1). Đối với các điều khoản khác, kể cả trong tên Nghị định, không cần thiết phải nêu đầy đủ cả tên hiệu quốc gia, chỉ cần nêu “Campuchia” “Việt Nam” là đủ. Đây cũng là cách thức quy định với tất cả các Biểu thuế ưu đãi theo các FTA.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia giai đoạn 2019-2020. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo.
Bên cạnh đó, VCCI cũng đang tiến hành triển khai lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên phạm vi cả nước là đối tượng chịu sự tác động của Dự thảo này bằng việc đăng tải công khai Dự thảo trên trang web www.vibonline.com.vn của VCCI. VCCI sẽ chuyển tới Quý Cơ quan các góp ý nhận được (nếu có).
(Nguồn: Ban pháp chế VCCI)