Trả lời Công văn số 5823/BTC-TCHQ ngày 22/05/2019 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá không chịu thuế xuất nhập khẩu
Việc xác định trị giá hải quan có ý nghĩa rất quan trọng để xác định nghĩa vụ nộp thuế xuất nhập khẩu của hàng hoá. Tuy nhiên, rất nhiều loại hàng hoá hiện nay có mức thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ở mức 0% hoặc được miễn thuế. Đối với những hàng hoá này, việc xác định trị giá hải quan chỉ còn có ý nghĩa thống kê, chứ không liên quan đến nghĩa vụ ngân sách. Do đó, hoàn toàn có thể đơn giản hoá các quy định về điều kiện và thủ tục xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá không chịu thuế xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các quy định pháp luật vẫn chưa thể hiện sự phân biệt này dù trên thực tế các cơ quan hải quan cũng ít khi kiểm tra, xác định lại trị giá hải quan trong các trường hợp như vậy. Tuy nhiên, do không có quy định rõ ràng nên một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá không chịu thuế nhưng vẫn phải làm đầy đủ các biện pháp xác định, điều chỉnh trị giá hải quan vì lo ngại bị phạt khi thực hiện không đầy đủ. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định theo hướng đơn giản hoá điều kiện và thủ tục xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá không chịu thuế xuất nhập khẩu, ví dụ:
- Được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch mà không cần đáp ứng đủ cả 4 điều kiện tại Điều 6.3
- Đối với hàng xuất khẩu, chỉ cần khai báo giá trị giao dịch thực tế mà không cần điều chỉnh đúng về giá trị cửa khẩu xuất.
- Xác định trị giá hải quan đối với phần mềm đi kèm hàng hoá
Hiện nay, việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá có phần mềm đi kèm đang gặp nhiều bất cập. Có trường hợp phần giá trị của phần mềm được cộng luôn vào giá trị vật lý của hàng hoá và trở thành trị giá hải quan của hàng hoá đó, có trường hợp phần giá trị phần mềm lại không được ghi nhận trọng giá trị hải quan. Việc xác định chính xác phần giá trị phần mềm nào thuộc về hàng hoá, và phần giá trị dịch vụ nào không thuộc về hàng hoá hiện nay rất khó khăn do không có quy định rõ ràng.
Đối với phần mềm, bản thuyết minh cho rằng có trường hợp doanh nghiệp có “phần mềm không cùng chuyến với máy móc thiết bị, từ đó có khoảng hở dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để chuyển giá vào phần mềm nhập khẩu riêng nhằm giảm trị giá của máy móc thiết bị, giảm số tiền thuế phải nộp”. Nhận định này chưa toàn diện, vì trong trường hợp đó, chi phí mà doanh nghiệp trong nước trả cho việc nhập khẩu phần mềm sẽ được coi là doanh thu của nhà thầu nước ngoài và doanh nghiệp trong nước sẽ phải kê khai và nộp thuế nhà thầu cho khoản này. Nói cách khác, thay vì phải nộp thuế nhập khẩu doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế nhà thầu cho phần giá trị của phần mềm. Vấn đề chuyển giá chỉ đặt ra khi có sự chênh lệch thuế suất giữa thuế nhập khẩu đối với máy móc và thuế nhà thầu đối với phần mềm.
Trong tài liệu thuyết minh, cơ quan soạn thảo cũng đã thừa nhận vấn đề rất khó khi phân loại đâu là phần mềm ứng dụng thông thường và đâu là phần mềm liên quan đến máy móc, thiết bị. Khi trao đổi trực tiếp, cơ quan soạn thảo giải thích khái niệm phần mềm liên quan đến máy móc là những phần mềm mà không có nó thì máy móc không sử dụng được. Tuy nhiên, với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin ngày nay, rất khó để có thể đưa ra một quy định bao quát được tất cả các trường hợp.
Với những lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án cho phép doanh nghiệp tự kê khai phần giá trị phần mềm và chịu nghĩa vụ thuế tương ứng, nếu doanh nghiệp kê khai vào trị giá hải quan thì phải nộp thuế nhập khẩu, nếu kê khai vào chi phí dịch vụ qua biên giới thì phải nộp thuế nhà thầu.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
(Ban pháp chế VCCI)