Vũng Tàu: Tập trung phát triển công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tỉnh cần quan tâm phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới…

Tại Hội nghị, báo cáo với Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2001-2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lãnh đạo Tỉnh cho biết, tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh bao gồm cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với năm 2001.

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm việc với Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Cơ cấu kinh tế trừ dầu khí chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp – xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Cụ thể, năm 2001 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 47,59%, đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng lên 55,63%, với chất lượng tăng trưởng tốt và nhanh, GRDP bình quân đầu người của tỉnh cả dầu khí đạt 12.958 USD/người. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh – xã hội, môi trường và các yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế của tỉnh bao gồm cả dầu khí (theo giá hiện hành) đạt 309.730 tỷ đồng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án đánh giá cao những kết quả về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, với việc xác định mục tiêu “Nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của Nhân dân. Tiếp tục phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao” là một hướng đi đúng đắn và tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, tham gia của nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh Bà rịa – Vũng Tàu sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn trong nhiệm kỳ này và trong giai đoạn tới, đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời góp phần vào sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thẳng thắn, Tỉnh cần quan tâm, nhận diện rõ hơn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu trong phát triển công nghiệp của Tỉnh như việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm, hạ tầng cụm công nghiệp phát triển chưa xứng với tầm năng, một số dự án đầu tư quy mô lớn về năng lượng chưa được triển khai theo kế hoạch đề ra…, công tác bảo đảm môi trường vẫn còn những hạn chế …

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. 

Cùng với đó, những vấn đề cơ chế, chính sách còn chưa hợp lý, chưa đồng bộ cần được rà soát kỹ, bám sát thực tiễn để tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi quyền hạn của tỉnh và có những báo cáo, kiến nghị cụ thể báo cáo Ban Kinh tế Trung ương liên quan đến các vấn đề lớn, vấn đề mới xuất phát từ thực tiễn phát triển cần xin ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về những định hướng lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, Tỉnh cần phát huy tối đa năng lực nội sinh và tính chủ động, tự chủ. Đồng thời phải chú trọng đến yếu tố ngoại lực gắn với hội nhập quốc tế, cần có sự đánh giá sâu hơn về hiệu quả, chất lượng thực hiện, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài của Tỉnh.

Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ tập trung phát triển công nghiệp hay kinh tế nói chung, mà còn phát triển xã hội, xây dựng văn hóa, con người, nguồn nhân lực.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Tỉnh cần quan tâm, có chủ trương mới, cách làm hay thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc.

“Về định hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đối với Tỉnh cần quan tâm phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới”, ông Trần Tuấn Anh nêu định hướng.

Đồng thời đề nghị, trước hết cần phải nỗ lực tối đa để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, lấy công nghiệp làm động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế – xã hội, cùng với thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ có thế mạnh. Tỉnh cần hoàn thiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm gắn với nâng cấp hệ thống các đô thị hiện có và tập trung đầu tư các đô thị mới; chú trọng quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có phát thải các-bon thấp, hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn, kịp thời hơn để huy động các nguồn lực cho phát triển với tốc độ tăng trưởng cao hơn và chất lượng tăng trưởng xanh, bền vững hơn. Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án, Ban Kinh tế Trung ương – cơ quan thường trực Đề án – đã nhận được báo cáo Tỉnh; cùng với những nội dung trao đổi, thảo luận tại Hội nghị sẽ là tư liệu hữu ích phục vụ cho việc xây dựng Đề án.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM