Theo ông Nguyễn Quang Vinh: Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) khẳng định: Để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế tuần hoàn (KTTH), việc xây dựng riêng một đạo Luật KTTH là cần thiết.
– Bên cạnh các chính sách đã có trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế Tài nguyên, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai…, đã đến lúc, chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa KTTH thông qua Luật KTTH, thưa ông?
Mô hình KTTH là một cơ hội kinh tế lớn với giá trị hơn 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, và có khả năng tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới, bền vững. Nhìn vào bức tranh toàn cầu, có thể thấy nhiều quốc gia đã cải tiến hệ thống pháp luật để thúc đẩy hiệu quả hơn việc xây dựng KTTH.
Năm 2009, Luật Thúc đẩy KTTH đi vào hiệu lực tại Trung Quốc.
Năm 2012, Đạo luật KTTH đã được thông qua tại Đức.
Năm 2016, Phần Lan ban hành Lộ trình tiến tới Nền KTTH giai đoạn 2016 – 2025. Gần đây nhất, Pháp cũng đã thông qua Luật Phi phát thải (Anti-waste Law) vào năm 2020, hướng đến việc chuyển dịch thành công sang mô hình KTTH.
Việt Nam cũng đã có những nội dung chính sách liên quan đến KTTH trong một số bộ luật hiện hành. Tuy nhiên, để có thể thực sự tạo nền tảng vững chắc cho KTTH có thể “cất cánh”, việc xây dựng riêng một bộ Luật KTTH là cần thiết, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương trong quá trình chuyển đổi sang mô hình KTTH.
Tại Hội nghị Khởi động xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện KTTH vừa được tổ chức, các yêu cầu được đặt ra đó chính là: hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho KTTH, đặc biệt là từ khâu thiết kế, lập quy hoạch đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
– Trong bối cảnh, Việt Nam còn hạn chế về hạ tầng, khoa học và công nghệ, tiềm lực, theo ông, đâu là vấn đề cần lưu ý khi xây dựng Luật KTTH để đảm bảo tính thực thi?
Chuyển dịch sang mô hình KTTH cần sự chuyển đổi hệ thống toàn diện. Điều đó cũng có nghĩa những nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật KTTH cũng cần trang bị một tư duy “chuyển đổi hệ thống” bao quát và toàn diện, từ đó mới có thể tiếp cận và triển khai KTTH thực sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đặt yếu tố con người là trung tâm của Luật, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” trên lộ trình chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới.
Ngoài ra, KTTH vẫn còn là một mô hình rất mới trên phạm vi toàn cầu. Chúng ta sẽ cần nghiên cứu, tham khảo và học tập các kinh nghiệm xây dựng luật, đưa luật vào thực tiễn của các nước đang triển khai, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh và mục tiêu cụ thể trong nước.
Đặc biệt, các nhà làm luật sẽ cần lắng nghe, tiếp nhận các kiến nghị, ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp. Theo những đánh giá ban đầu do VCCI phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện, việc thực hiện mô hình KTTH trong doanh nghiệp còn hạn chế, năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp; khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cũng ứng, sản xuất theo mô hình KTTH còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.
Như vậy, Luật KTTH sẽ cần hướng đến việc tạo môi trường, cơ chế ưu đãi phù hợp để doanh nghiệp có động lực nâng cao nhận thức, từng bước đầu tư và phát triển năng lực chuyển đổi, phát triển sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế và đáp ứng các yêu cầu của xu thế phát triển mới trên thế giới. Chính phủ cũng nên cân nhắc việc lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình KTTH, đề ra lộ trình thích hợp với các chỉ tiêu cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.
Theo kinh nghiệm quốc tế, phương thức đối tác công tư là phương thức đầu tư hiệu quả giúp thúc đẩy phát triển KTTH.
– Luật KTTH sẽ tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư của Việt Nam, thưa ông?
Với việc hiện thực hóa KTTH thành Luật, các quy định, chỉ tiêu, yêu cầu sẽ được cụ thể hóa chi tiết hơn, rõ ràng hơn, trở thành xương sống cho quá trình chuyển đổi và thực hiện mô hình tuần hoàn tại doanh nghiệp. Không chỉ vậy, hành lang pháp lý đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận cơ chế hỗ trợ về vốn, phát hành trái phiếu xanh, tiếp cận công nghệ, xây dựng thị trường cho các sản phẩm được sản xuất theo mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Khi yêu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường ngày càng cao, các nhà đầu tư cũng sẽ coi đó như một tiêu chuẩn trong quá trình đánh giá doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp chuyển đổi, áp dụng tốt mô hình tuần hoàn sẽ có ưu thế hơn trong việc thu hút vốn.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp