Mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã tiếp đón và làm việc với đoàn công tác Ba Lan do Nghị sĩ Grzegorz Napieralski, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Ba Lan – Việt Nam, dẫn đầu, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định mối quan hệ hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Ba Lan, nhấn mạnh sự hỗ trợ quý báu của nhân dân Ba Lan trong thời kỳ chiến tranh. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Ba Lan trong việc góp phần tái thiết kinh tế Việt Nam sau chiến tranh, thông qua việc đào tạo nhiều thế hệ người Việt, trong đó không ít người đã trở thành doanh nhân thành công hoặc giữ các vị trí trọng yếu tại Việt Nam.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài, được minh chứng bởi sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, yếu tố an toàn cho con người và vốn đầu tư trở nên đặc biệt quan trọng. Ông nhấn mạnh tiềm năng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Ba Lan còn rất lớn, khi Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới, và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và vượt 10% vào năm 2026.
Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ mong muốn đón thêm nhiều doanh nghiệp Ba Lan đến Việt Nam, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Việt mở rộng hoạt động sang Ba Lan. Ông chỉ ra các thế mạnh của Ba Lan như thực phẩm, dược phẩm, công nghiệp đóng tàu và khai mỏ, rất phù hợp với nhu cầu của thị trường 100 triệu dân Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu cùng các đối tác như Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc, mở ra những triển vọng hợp tác mới đầy hứa hẹn cho hai bên.
Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, Ba Lan là đối tác ưu tiên của Việt Nam và Việt Nam cũng được Ba Lan đánh giá cao với vai trò đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á. Với vai trò đại diện cho hơn 200.000 doanh nghiệp thành viên, VCCI cam kết đóng vai trò cầu nối thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa hai nước. Chủ tịch nhấn mạnh Việt Nam là cửa ngõ vào thị trường ASEAN 500 triệu dân. VCCI sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán và các cơ quan Ba Lan để hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp Ba Lan tìm hiểu cơ hội giao thương và đầu tư tại Việt Nam.
Về phía đoàn Ba Lan, Nghị sĩ Grzegorz Napieralski bày tỏ ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương, nhấn mạnh truyền thống hợp tác lâu dài giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục và kinh tế…. Ông nhắc lại tinh thần tương trợ trong những giai đoạn khó khăn, như các chuyến bay hỗ trợ thời kỳ đại dịch Covid-19, khẳng định tình hữu nghị sâu sắc và sự tin cậy bền vững giữa hai dân tộc.
Nghị sĩ Napieralski hoan nghênh các đề xuất của Chủ tịch VCCI, cam kết phối hợp triển khai các hoạt động kết nối doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và quốc phòng, nhằm nâng cao hợp tác kinh tế – thương mại. Ông đánh giá cao môi trường kinh doanh an toàn và hấp dẫn của Việt Nam – điểm đến của nhiều tập đoàn lớn toàn cầu – đồng thời nhấn mạnh tiềm năng của Việt Nam trong khối ASEAN. Trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, đặc biệt khi Ba Lan chịu ảnh hưởng từ xung đột khu vực, ông nhấn mạnh giá trị của sự tự lực tự cường và đoàn kết, những bài học lịch sử mà cả hai quốc gia đều thấu hiểu, khẳng định sự sẵn sàng của doanh nghiệp Ba Lan trong việc hợp tác với đối tác Việt Nam.
Nghị sĩ Napieralski đặc biệt quan tâm đến hợp tác du lịch khi số du khách Ba Lan đến Việt Nam tăng đáng kể. Ông đề xuất nới lỏng chính sách visa, bao gồm miễn thị thực cho công dân Ba Lan, nhằm thúc đẩy giao lưu, đầu tư và hỗ trợ doanh nhân Ba Lan khám phá thị trường Việt Nam. Đồng thời, ông mong muốn tăng cường hợp tác sản xuất và phân phối, nhất là trong lĩnh vực ô tô điện – thế mạnh nổi bật của Việt Nam – để đưa sản phẩm Việt thâm nhập hiệu quả hơn vào thị trường Ba Lan.
Ba Lan đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam, chú trọng vào công nghiệp chế biến và dược phẩm, nổi bật với dự án của Tập đoàn Adamed. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 3,4 tỷ USD, với Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan máy vi tính, điện thoại, dệt may, giày dép và nông sản như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản; trong khi nhập từ Ba Lan máy móc, dược phẩm, sữa, hóa chất và cá hồi. Nhân 75 năm quan hệ ngoại giao, hai nước sẽ tổ chức Ngày Văn hóa, triển lãm, tuần lễ phim, đồng hành cùng các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum