Trả lời Công văn số 4294/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị tham gia đóng góp ý kiến Dự thảo Kế hoạch nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021 (sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về mục tiêu tổng thể của Kế hoạch:
Dự thảo đã nêu mục tiêu nâng cao xếp hạng chỉ số này của Việt Nam cho các năm 2019 và năm 2021, song đây là những mục tiêu cụ thể, không phải mục tiêu tổng thể. Rà soát nội dung Dự thảo, có thể thấy rằng việc nâng cao xếp hạng này nhằm mục tiêu tổng thể là tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, chứ không đơn thuần chỉ là việc nhằm “nâng cao xếp hạng”. Do vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung mục tiêu tổng thể “tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu” vào phần mục tiêu của Dự thảo.
Thứ hai, về một số nhiệm vụ cụ thể nêu trong Dự thảo:
Một số nhiệm vụ đặt ra trong Dự thảo đối với các bộ, cơ quan ngang bộ chưa bám sát và cụ thể hoá yêu cầu của Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 tại Nhiệm vụ 1 “Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia”.
Cụ thể, Dự thảo đã xác định 05 nhiệm vụ phân công cho các bộ ngành tại Nhiệm vụ 1, song một số yêu cầu rất quan trọng của Nghị quyết 02 đối với các bộ, cơ quan ngang bộ lại chưa được nhắc tới, ví dụ:
- “Đến hết năm 2019, thực hiện đầy đủ nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gồm: (i) áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; (ii) chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hoá tại thị trường nội địa;… (iv) áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4”;
- “Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hoá”; “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN”.
Đây là những nhiệm vụ rất cụ thể mà Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện tại Nghị quyết 02. Mặc dù việc cụ thể hoá các nhiệm vụ với riêng Bộ Tài chính là khá rõ, nhưng Dự thảo lại chưa xác định hoặc nếu có thì rất mờ nhạt các nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Do vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Nhiệm vụ 1 theo hướng bám sát và cụ thể hoá các yêu cầu của Nghị quyết 02.
Thứ ba, về các kết quả/nhiệm vụ đầu ra:
Dự thảo Kế hoạch đặt ra 25 nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương với kết quả/sản phẩm đầu ra, thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và thời gian dự kiến hoàn thành. Tuy nhiên, Dự thảo chưa xác định rõ kết quả/sản phẩm đầu ra cho một số nhiệm vụ. Ví dụ,
- “Số lượng ngân hàng thương mại tham gia” (nhiệm vụ 7.1),
- “Hệ thống nộp thuế điện tử hỗ trợ tối đa người nộp thuế” (nhiệm vụ 7.2),
- “Cơ sở hạ tầng các các cảng nâng cấp” (nhiệm vụ 12),
- “Hệ thống giao thông quanh cảng được hoàn thiện, kết nối” (nhiệm vụ 14),
- “Trung tâm logistics (nhiệm vụ 16.2),
- “Tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối tăng” (nhiệm vụ 16.3),
- “Tỷ lệ hợp tác PPP trong đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng logistics tăng hàng năm” (nhiệm vụ 16.4),
- “Tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối tăng (nhiệm vụ 17.2),
- “Các hoạt động tuyên truyền” (nhiệm vụ 21)…
Để đảm bảo hiệu quả của quá trình triển khai, cũng như thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là công tác theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện… thì việc xác định rõ kết quả/sản phẩm đầu ra là rất quan trọng.
Do vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xác định rõ kết quả/sản phẩm đầu ra của việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Dự thảo Kế hoạch.
Thứ tư, về việc tham vấn doanh nghiệp:
Đề nghị bổ sung yêu cầu với các bộ, cơ quan ngang bộ và uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực thi liên quan tới lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Về cách thức, cần thực hiện hoạt động tham vấn này một cách thực chất, thông qua việc phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng để có thông tin từ thực tiễn nhằm xác định và triển khai các nhiệm vụ một cách hiệu quả, khả thi và đạt mục tiêu tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ năm, kiến nghị xác định rõ nguyên tắc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp là cần cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp (cân nhắc tới việc tham khảo Tài liệu hướng dẫn của Bộ Tư pháp về nâng xếp hạng chỉ số Tuân thủ pháp luật, ban hành kèm theo Công văn số 1083/BTP-QLXLVPHC& TDTHPL ngày 29/3/2019). Việc bổ sung yêu cầu này có thể đặt ra trong yêu cầu chung tại phần nội dung Dự thảo, hoặc lồng nghép cụ thể vào các nhiệm vụ trong phần Phụ lục Dự thảo.
Thứ sáu, đề nghị bổ sung Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào nhóm Cơ quan phối hợp thực hiện nhiệm vụ 22 “Phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu, đánh giá thực tế về thời gian và chi phí giao dịch thương mại qua biên giới”. Đây cũng là nhiệm vụ mà Nghị quyết 02 giao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện “theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình thực hiện Nghị quyết…, đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp trên các lĩnh vực như thuế, hải quan…; tổng hợp những bất cập, vướng mắc của pháp luật mà doanh nghiệp kiến nghị”.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Kế hoạch nâng cao xếp hạng chỉ số Giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam giai đoạn 2019-2021. Đề nghị Quý Cơ quan cân nhắc trong quá trình hoàn thiện nội dung Dự thảo.
(Nguồn: Ban pháp chế VCCI)