Năm 2020 đánh dấu 30 năm Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trên chặng đường dài 30 năm qua, với sự nỗ lực không ngừng của hai bên nhằm thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc, mở ra những triển vọng tươi sáng trong tương lai.
* Những dấu mốc quan trọng
Liên minh châu Âu (the European Union, gọi tắt là EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên: Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Italy, Đan Mạch , Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Séc, Síp, Slovakia, Slovenia, Bulgaria, Romania và Croatia.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28/11/1990, trong 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và EU đã chứng kiến nhiều dấu mốc đáng nhớ. Cụ thể là: Sau 6 năm thiết lập quan hệ, năm 1996, Ủy ban châu Âu đã thành lập phái đoàn Đại diện thường trực ở Việt Nam. Năm 2004, Hội nghị Cấp cao Việt Nam-EU đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội. Đáng chú ý, năm 2012, hai bên ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA). Hiệp định PCA có hiệu lực từ ngày 1/10/2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU, tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ song phương sang một giai đoạn phát triển mới với phạm vi rộng lớn và mức độ sâu sắc hơn.
Đặc biệt, sau một thập kỷ không ngừng nỗ lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) đã được ký ngày 30/6/2019, trong đó EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mở ra một chương mới tươi sáng hơn trong quan hệ hợp tác song phương. Các hiệp định này được kỳ vọng sẽ mang đến những cơ hội “vàng” để hai bên khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác, đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, phát triển bền vững và góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế liên khu vực Á-Âu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc từng nhấn mạnh, với việc hai hiệp định EVFTA và EVIPA được ký, chúng ta cùng hướng tới một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững hơn cho người dân, doanh nghiệp Việt Nam và EU. Còn đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti thì nhận định rằng, EVFTA là cơ sở để hướng tới một hiệp định thương mại tự do giữa EU và ASEAN. Hiệp định EVFTA thể hiện mong muốn của EU nhằm mở rộng quan hệ hợp tác với ASEAN và tham gia tích cực hơn vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt. Theo đó, EU ủng hộ vai trò của Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU, cũng như giữa ASEAN và EU trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020.
Ngoài ra, quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn, đối tác truyền thống khác ở châu Âu cũng phát triển tích cực. Việt Nam đã củng cố và nâng tầm các khuôn khổ quan hệ, thúc đẩy các bước phát triển nhiều ý nghĩa trong quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp, Đức, Anh, nâng quan hệ với Hà Lan lên Đối tác toàn diện, tiếp tục triển khai mạnh các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời trao đổi, thống nhất với các đối tác mở ra những hướng hợp tác mới đầy tiềm năng. Các nước và các đối tác đều coi trọng và đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam, mong muốn mở rộng thương mại, đầu tư, tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác song phương, trong 30 năm qua, hợp tác đa phương giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu cũng có những bước phát triển mạnh mẽ. Lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên trao đổi và tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương; phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM, Liên hợp quốc.
Hiện nay, vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đặc biệt là khi Việt Nam vừa hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và các nước, các đối tác EU đã và đang tăng cường các cơ chế trao đổi, phối hợp nhằm cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, giữ gìn hòa bình, an ninh trên quốc tế tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, đảm bảo sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
* Hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ
Cùng với sự phát triển tốt đẹp về quan hệ chính trị-ngoại giao, trong 30 năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-EU cũng không ngừng phát triển. EU là đối tác thương mại lớn thứ năm và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc). Đối với EU, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới, thứ 8 trong các đối tác ở châu Á và lớn thứ hai trong ASEAN.
Trong những năm qua, kim ngạch thương mai hai chiều giữa Việt Nam và EU tăng khá nhanh, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000, lên mức 17,75 tỷ USD năm 2010 và lên 55,8 tỷ USD năm 2018. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU (28 nước, gồm cả Anh) đạt 56,39 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 41,48 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; còn kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 14,91 tỷ USD, tăng 7,4%, chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng, như: dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.
Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư EU. Tính đến tháng 10/2020, đã có 25 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 2.214 dự án, tổng vốn đăng ký là 22,14 tỷ USD. Các nhà đầu tư của các nước EU đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, thông tin và truyền thông… Ðây là những ngành có công nghệ cao, sản phẩm sạch, tận dụng ưu thế về khoa học kỹ thuật, hàm lượng chất xám lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế và rất cần cho Việt Nam.
Đặc biệt, với những triển vọng từ Hiệp định EVFTA mang lại, hai bên kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành, như: nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, lâm sản, đồ uống…), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt may, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm…). Đồng thời, nhập khẩu từ EU dự kiến cũng sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng, như: phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA cũng sẽ tạo ra những cơ hội lớn để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU, đặc biệt là trong các lĩnh vực, như: công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ…
* EU – một trong những nhà tài trợ lớn của Việt Nam
Trong những năm qua, EU cũng là một trong những nhà tài trợ lớn của Việt Nam. Giai đoạn 2014-2020, viện trợ không hoàn lại của EU tập trung vào hai lĩnh vực là năng lượng và quản trị công. Trong lĩnh vực năng lượng, EU đặc biệt chú trọng năng lượng bền vững và sử dụng hiệu quả năng lượng. Ngoài ra, trong năm 2020, EU đã cung cấp 60.000 euro viện trợ nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Khoản hỗ trợ đã giúp đỡ trực tiếp 24.000 người tại những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề tại khu vực, đồng thời hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho hộ gia đình chịu ảnh hưởng lớn do thiếu nước sạch.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực y tế, giao thông vận tải, nông nghiệp, tư pháp… cũng phát triển tốt đẹp. EU đã viện trợ cho Việt Nam nhiều chương trình, dự án để tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, chiến lược, kế hoạch y tế ở cấp quốc gia và tại địa phương, như các dự án hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe người nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nâng cao năng lực ngành y tế.
Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới, dù cũng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ y tế, tặng khẩu trang cho các nước bạn, như: Pháp, Ðức, Italia, Tây Ban Nha…; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân các nước làm việc, chữa bệnh ở Việt Nam. Ðây là thông điệp ý nghĩa về tình đoàn kết Việt Nam gửi đến các nước EU trong cuộc chiến cam go với đại dịch.
Có thể khẳng định, với những nền tảng vững chắc sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và EU trong trong tương lai sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả, đóng góp thiết thực cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á-Âu và thế giới./.
Nguồn: http://hdll.vn/vi/tin-tuc/30-nam-quan-he-viet-nam-eu-trien-vong-tuoi-sang-trong-tuong-lai.html