Việc mua cổ phần AVG của MobiFone đã gặp sự phản đối của một bộ phận nhân viên do nghi vấn có sự không minh bạch trong thương vụ này.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 1621-CV/VPTW ngày 22-7-2016 của Văn phòng Trung ương về việc tiến hành thanh tra toàn diện việc mua 95% cổ phần của AVG Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Mức định giá cao nhất đối với AVG lên tới hơn 1,5 tỷ USD
Việc mua lại AVG được cho biết sẽ giúp MobiFone đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh khi doanh nghiệp này chuyển từ kinh doanh viễn thông thuần tuý sang các dịch vụ giá trị gia tăng, đa phương tiện và đặc biệt là chen chân vào lĩnh vực truyền hình. Đây là bước đi nằm trong chiến lược kinh doanh của MobiFone giai đoạn 2016 – 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Theo kế hoạch của MobiFone, nhà mạng này sẽ kết hợp các dịch vụ giữa viễn thông di động và truyền hình, cung cấp dịch vụ truyền hình có tính tương tác cao, cung cấp dịch vụ truyền hình với nội dung hấp dẫn, chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ tương tác, các gói cước mới tích hợp giữa truyền hình và di động.
Mục tiêu được doanh nghiệp này đặt ra là phát triển 1 triệu khách hàng đăng ký mới dịch vụ truyền hình trong năm 2016 và đến năm 2020 trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam.
Từ tháng 8.2015, Tổng Giám đốc MobiFone đã có công văn về việc lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình trong đó MobiFone đề cập tới phương án mua lại 90,1% cổ phần AVG. Đến tháng 1.2016, thương vụ hoàn tất với tỷ lệ mua vào lên tới 95% cổ phẩn AVG song giá trị thương vụ không tiết lộ.
Báo cáo số 142 báo cáo về dự án truyền hình của MobiFone gửi Tổng giám đốc Tổng công ty ngày 10.9.2015 cho thấy, để có kết quả định giá, xác định giá trị doanh nghiệp AVG, từ đó xây dựng giá mua phù hợp, MobiFone đã tham khảo và căn cứ ý kiến của nhà thầu tư vấn Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) kết hợp với các đơn vị có chức năng thẩm định giá đưa ra nhiều mức giá khác nhau.
Báo cáo này cho hay, VCBS đã thuê Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC thực hiện định giá AVG và đã cho ra kết quả định giá là 33.299,5 tỷ đồng (tương đương 1,53 tỷ USD).
Trên cơ sở định giá của AASC, đơn vị tư vấn VCBS đã tư vấn cho Mobifone thêm về cách định giá thận trong để đưa ra mức giá hợp lý với kết quả giảm còn 24.548,2 tỷ đồng (tương đương 1,12 tỷ USD).
Thận trọng hơn nữa, nhằm tăng tính khách quan và đa chiều trong việc xác định giá trị doanh nghiệp trên nhiều phương diện và bằng nhiều phương pháp khác nhau, MobiFone tiếp tục yêu cầu VCBS và VCBS đã thuê thêm Công ty TNHH Định giá Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) để định giá AVG theo phương pháp tài sản.
Hanoi Valu đã thực hiện việc thẩm định và phát hành chứng thư định giá trực tiếp cho MobiFone với kết quả định giá là 18.520 tỷ đồng (tương đương 847,6 triệu USD).
Mặc dù đã có các phân tích và đánh giá nêu trên, MobiFone vẫn quyết định thuê thêm một đơn vị thẩm định giá được Bộ Tài chính cấp phép thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX.
AMAX đã phát hành chứng thư thẩm định giá cho MobiFone với kết quả giá trị doanh nghiệp của AVG theo phương pháp tài sản là 16.565 tỷ đồng (tương đương 758,81 triệu USD) và theo phương pháp thu nhập là 17.184 tỷ đồng (tương đương 787,17 triệu USD).
Như vậy, có thể thấy, các kết quả thẩm định giá đối với AVG có biên độ chênh lệch rất rộng, mức thấp nhất là 16.565 tỷ đồng và cao nhất là 33.299,5 tỷ đồng (chênh gấp đôi).
Nhân viên MobiFone nghi ngờ lãnh đạo tham nhũng
Bản báo cáo này của MobiFone cho hay, “các đơn vị tư vấn/thẩm định giá đều lựa chọn phương pháp thu nhập (chiết khấu dòng tiền trong tương lai) để định giá và phương pháp tài sản là phương pháp kiểm chứng. Kết quả định giá phụ thuộc rất lớn vào kế hoạch kinh doanh dự kiến của AVG. Trong quá trình làm việc với các đơn vị tư vấn/thẩm định giá, MobiFone thường xuyên trao đổi về số liệu kế hoạch kinh doanh khả thi. Các đơn vị tư vấn đã tiếp thu ý kiến của MobiFone và đưa ra các điều chỉnh dự báo kế hoạch dòng tiền dự kiến ở mức cẩn trọng, do đo đã giảm giá giá trị DN của AVG”.
Trên cơ sở định giá, MobiFone đã đưa ra kế hoạch kinh doanh đối với AVG sau khi mua lại cổ phần với dự kiến trong hai năm 2015 và 2016 của AVG vẫn lỗ lần lượt 316 và 91 tỷ đồng. AVG được xác định bắt đầu có lãi từ năm 2017 với 156 tỷ đồng và được cho là sẽ bứt tốc mạnh mẽ trong các năm sau đó, đạt 732 tỷ đồng năm 2018, 945 tỷ đồng năm 2019 trước khi gặt 1.876 tỷ đồng năm 2020.
Kế hoạch mua lại AVG của MobiFone hồi năm ngoái đã gặp phải phản đối của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong tổng công ty này. Trong một đơn tố cáo gửi đến cơ quan báo chí thời điểm tháng 8/2015, nhóm nhân viên nội bộ MobiFone cho rằng việc lãnh đạo MobiFone mua lại AVG một cách vội vàng có thể làm sụp đổ cả một tổng công ty mạnh có lợi nhuận hàng năm lên tới 5.000-6.000 tỷ đồng.
Tại đơn tố cáo này, nhóm cán bộ, nhân viên trên đánh giá, truyền hình An Viên là đơn vị đang kinh doanh thua lỗ triền miên, không một tổ chức hay cá nhân nào muốn đầu tư mua cổ phần của AVG vậy mà các lãnh đạo của MobiFone lại quyết định đầu tư số tiền khổng lồ vài trăm triệu USD để mua lại. Việc này khiến nhân viên MobiFone lo ngại sẽ dẫn kinh doanh của MobiFone bị thua lỗ, thậm chí sụp đổ.
Tại phiên họp báo Chính phủ tháng 7 diễn ra ngày 2.8, người phát ngôn của Chính phủ – ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, trong vấn đề mua bán của MobiFone, tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng như của Thủ tướng Chính phủ, đó là qua quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm.
“Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, kết quả thanh tra kiểm tra phải được công khai trước quần chúng và nhân dân”, ông Mai Tiến Dũng cho biết.