Những năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước; nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả.
Chuyển đổi theo xu hướng công nghệ
Năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người.
Năm 2022, công tác thông tin trên báo chí thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo đồng thuận xã hội. Đồng thơi, các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội…
Đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của độc giả, hoạt động của các cơ quan báo chí cần chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông. Bên cạnh đó, báo chí thời hội nhập với việc ứng dụng công nghệ mới và xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo, cung cấp nội dung xuyên biên giới tiếp tục là những xu hướng công nghệ làm báo trong thời hội nhập quốc tế. Báo chí di động đang làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng báo chí. Trong thế giới thông tin phẳng, xu hướng cung cấp nội dung xuyên quốc gia được thực hiện thông qua nhiều hình thức và công nghệ mới, thông qua kết nối internet và kết nối mạng 4G, 5G trên các thiết bị di động…
Mối quan hệ tương hỗ với doanh nghiệp
Báo chí là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước, thông qua thông tin trên các cơ quan thông tấn, báo chí, giúp Chính phủ và các cơ quan Nhà nước lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, từ việc thực hiện chủ trương, chính sách để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý điều hành…
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhờ báo chí mà các doanh nghiệp có được thông tin đa dạng, nhiều chiều trong và ngoài nước, những nhu cầu của thị trường, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng mà vươn lên đáp ứng kịp thời và có hiệu quả nhất. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông hiện đại, các thông tin về doanh nghiệp được chuyển tải không chỉ trong nước mà còn ra thế giới, mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường ở trong và ngoài nước.
Hiện nay, khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong bối cảnh đó, vai trò của báo chí để xử lý khủng hoảng là rất quan trọng để đưa ra những thông tin khách quan nhằm trấn an dư luận.
Báo chí tuyên truyền các chủ trương, chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ và có hiệu quả, đồng thời báo chí là nơi tập hợp các ý kiến, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp để đề đạt với cơ quan Nhà nước, góp phần làm cho chủ thể kinh tế sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và tạo điều kiện tốt cho việc tổ chức thực hiện. Những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp được báo chí phản ánh rất đậm nét, từ đó cùng với khối doanh nghiệp góp thêm một tiếng nói để Đảng và Chính phủ có những chính sách, biện pháp dần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh bình đẳng cho khối doanh nghiệp này. Thông qua báo chí, những ý kiến của doanh nghiệp đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực của các cơ quan Nhà nước trong việc đổi mới chính sách đối với doanh nghiệp, doanh nhân.
Đặc biệt, báo chí chia sẻ với doanh nghiệp về những khó khăn, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những gì làm trở ngại, phiền hà, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, báo chí góp phần đổi mới nhận thức của xã hội, tạo nên sự đồng thuận, sự cảm thông, chia sẻ của xã hội đối với doanh nghiệp, doanh nhân. Những tạp chí nghiên cứu kinh tế chuyên ngành, hoặc những bài viết nghiên cứu sâu về kinh tế đăng trên nhiều tạp chí, cung cấp những cơ sở, luận cứ để các doanh nghiệp tham khảo, lựa chọn, điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Hội Nhà báo Việt Nam, vẫn có tình trạng báo chí đưa thông tin sai sự thật, chủ quan, thiên vị, mang tính khuôn sáo, hình thức, thiếu sự xem xét toàn diện khách quan, thiếu chặt chẽ trong kiểm định thông tin… gây hoang mang cho độc giả.
Nhiều doanh nghiệp có xu hướng muốn báo chí “giúp đỡ” để tuyên truyền có lợi, che giấu thông tin tiêu cực. Quá trình tác nghiệp để xác minh thông tin nội bộ doanh nghiệp khá phức tạp, vì vậy nhà báo cần cẩn trong khi tiếp cận, xem xét, phản ánh về hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngược lại, vấn đề đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp ngại báo chí, tránh báo chí. Nguyên nhân do không ít nhà báo sa đà vào mặt trái của các doanh nghiệp, thậm chí có hiện tượng liên kết không lành mạnh giữa một số phóng viên, hoặc giữa một số lãnh đạo cơ quan báo chí “đánh hội đồng”, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. Có trường hợp báo chí đăng tải điều tra, kiểm tra, thanh tra chưa có kết luận chính thức, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp là các cơ quan có trách nhiệm cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các hoạt động thông tin, tuyên truyền của báo chí đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Riêng đối với hoạt động tuyên truyền phát triển doanh nghiệp cần có sự chỉ đạo cụ thể để tránh tình trạng tuyên truyền phiến diện, tuyệt đối hoá mặt này hoặc mặt khác, gây nên sự hiểu lầm làm hạn chế sự phát triển chung. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo, cơ quan chủ quản, Hội Nhà báo; Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ nhà báo
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của các tạp chí, nhất là các tạp chí về kinh tế. Trong thời gian qua, các tạp chí kinh tế đã góp phần tích cực vào thành tựu kinh tế – xã hội của đất nước, vào quá trình đổi mới và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên so với yêu cầu đang đặt ra hiện nay, đòi hỏi các tạp chí kinh tế phải tiếp tục có những đổi mới cải tiến mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng tuyên truyền như: Bám sát thực tiễn đang vận động để phân tích, lý giải những vấn đề nóng bỏng do thực tiễn đặt ra; Tập trung nghiên cứu, khảo sát thực tiễn để có những đề tài và bài viết sâu sắc, sinh động, có sức thuyết phục; Nâng cao tính hấp dẫn, thể hiện ở chỗ: đề tài sát với thực tế, đi sâu vào những bức xúc đang đặt ra; cấu trúc chuyên mục, chuyên trang vừa thể hiện được những vấn đề cơ bản thuộc phạm vi tôn chỉ, mục đích của tạp chí, vừa phân tích lý giải những vấn đề mà xã hội đang quan tâm; Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa tạp chí; Xây dựng đội ngũ cộng tác viên có chất lượng…
Nguồn: Vietnam Business Forum