Các đại sứ sẽ là “cầu nối” kết nối Hiệp hội, doanh nghiệp Việt với đối tác trên thế giới

Đó là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại buổi gặp gỡ giữa doanh nghiệp với đoàn Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2020-2023.

 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cảm ơn sự hợp tác hỗ trợ đồng hành của Bộ Ngoại giao nói chung và của các đại sứ nói riêng đối với hoạt động doanh nghiệp và của VCCI. “Sự hội nhập phát triển kinh tế, sự tham gia của các doanh nghiệp vào nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể có được như ngày hôm nay nếu thiếu sự giúp đỡ và sự mở đường của Bộ Ngoại giao và các đại sứ” – TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ – “điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi đại sứ và đại diện cơ quan đại diện làm sao đưa ra các kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh trong thứ hạng xếp hạng thế giới”.

Chủ tịch VCCI cho biết, mục tiêu của Việt Nam là làm sao để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt theo ASEAN. “Hiện nay trong ASEAN chúng ta đặt ra mục tiêu là lọt vào nhóm 4 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và hàng đầu trong khối. Sự có mặt ở đây đã có 3 nền kinh tế lớn trong khu vực là Singapore, Indonexi, Thái lan. Và nếu chúng ta muốn lọt vào nhóm này thì chúng ta phải học hỏi và cạnh tranh họ” – ông nhấn mạnh.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Do đó, TS Lộc mong muốn các đại sứ nhận nhiệm vụ mới ở các nước có thể nghiên cứu về câu chuyện kinh doanh cũng như thủ tục hành chính, chính sách phát triển kinh tế của họ giúp trả lời cho câu hỏi các nước khác phát triển họ đã làm như thế nào?

Về phát triển doanh nghiệp, TS Lộc cho biết thế giới đang biến đổi nhanh chóng và khôn lường thì mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh đó đã thay đổi như thế nào. Chiến lược của doanh nghiệp các nước bạn ra sao? Về xúc tiến thương mại đầu tư thì câu chuyện mua gì bán gì bán cho ai và bán thế nào cũng sẽ là những kinh nghiệm cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

“Môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hội nhập, các nước họ làm thế nào thì ta học” – TS Lộc nói.

Các doanh nghiệp có mặt đều mong muốn rằng các đại sứ là những người kết nối các thị trường nước ngoài. 31 đại sứ với 31 thị trường sẽ là cơ hội tiếp cận hoạt động giao thương ở các nước sở tại trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, Phó Chủ tịch CLB nông nghiệp cao bày tỏ mong muốn các đại sứ hỗ trợ kết nối công tác xúc tiến nông sản ra các thị trường nước ngoài, đồng thời có thể tìm hiểu các công nghệ mới như giống và cây trồng, thuốc bảo vệ nông nghiệp, công nghệ chế biến sau quy hoạch và dịch vụ logistics cho nông nghiệp… bởi đây là những mảng còn thiếu hụt ở thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hội Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển rất mạnh mẽ ở các nước trên thế giới trong khi ngành ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Bởi vậy ông bày tỏ mong muốn các đại sứ có thể chia sẻ kinh nghiệm, bài học từ doanh nghiệp các nước. Đồng thời, ông cũng đề nghị các đại sứ là người kết nối hợp tác để có thể xuất khẩu hàng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ra thế giới.

Cho biết thêm, ông Đỗ Quang Hưng – Khu Công nghiệp Đình Vũ chia sẻ với các đại sứ những lợi thế của khu công nghiệp Đình Vũ trong việc góp phần chung tay thu hút đầu tư nước ngoài về nước.

Các Hiệp hội và Doanh nghiệp cũng đề xuất với các vị tân Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ trong công tác quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, hỗ trợ dự báo tình hình kinh tế, xã hội các địa bàn, mở cửa thêm các thị trường khác và hỗ trợ trong xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Trường Giang – Đại sứ Việt Nam tại Chile cho biết: địa bàn mà ông công tác là vùng sâu vùng xa, nên việc khó khăn về thông tin là không tránh khỏi. Tuy vậy, trong nhiệm kỳ công việc được giao, ông Giang sẽ tìm hiểu thật kỹ thông tin để có thể hỗ trợ phần nào, trao đổi trực tiếp về thông tin với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

đại sứ Việt Nam tại Hong Kong, ông Phạm Bình Đàm

Ông Phạm Bình Đàm – Đại sứ Việt Nam tại Hong Kong

“Chúng tôi coi việc phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên cũng phải nói rõ chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp nhưng không làm thay được doanh nghiệp. Tức là, doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa ra thị trường nước ngoài, tìm kiếm đối tác thì phải có sự chủ động” – đại sứ Việt Nam tại Hong Kong, ông Phạm Bình Đàm nhấn mạnh điều này tại tọa đàm.

Đại sứ Phạm Bình Đàm cho biết: các doanh nghiệp đầu tiên phải làm một việc rất thông thường là đi tham gia các hội chợ để gặp gỡ, từ đó đại sứ quán sẽ hỗ trợ kết nối. Bởi vì, việc đại sứ quán kết nối sẽ rất hiệu quả. Như việc đưa đối tác về Việt Nam thì việc xuất hiện của các đại sứ sẽ rút ngắn quá trình thương thuyết mà sẽ trực tiếp đàm phán về giá, kỹ thuật.

“Việc tham gia các hội chợ, nghiên cứu thị trường và đối tác để tìm cho mình những đối tác tiềm năng là rất quan trọng. Khi “khoanh vùng” được đối tác tiềm năng đề nghị doanh nghiệp liên hệ với bộ phận thương vụ, kinh tế hoặc văn phòng đại sứ quán, tổng lãnh sự để có đầu mối thường xuyên, sau đó sẽ được chuyển lên các đại sứ, tổng lãnh sự để được giải quyết tiếp, ông cho hay.

Các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam để quảng bá sản phẩm, gặp gỡ các đối tác tiềm năng, mời đối tác về Việt Nam… bởi vì quảng bá cho sản phẩm của Việt Nam không phải là dễ. Việc đưa sản phẩm Việt Nam vào các siêu thị hay toàn thị trường nước ngoài là không khó. Tuy nhiên, giữa bạt ngàn các sản phẩm, phải làm sao để khách hàng chọn lựa sản phẩm của Việt Nam chứ không phải quốc gia khác thì phải có sự đầu tư làm thị trường. Bởi vì không nên bán cái chúng ta có, mà phải bán cái mà khách hàng cần.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cũng khẳng định, ngoại giao kinh tế là một trong những trụ cột của Ngoại giao Việt Nam và được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Các cơ quan đại diện là người mở đường tích cực trong việc giới thiệu các cơ hội, đối tác, khai thác các thị trường tiềm năng, cũng như phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) sẽ tiếp tục có trách nhiệm kết nối các Hiệp hội, doanh nghiệp với các đối tác trên thế giới.

Nguồn: Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp

https://enternews.vn/cac-dai-su-se-la-cau-noi-ket-noi-cac-hiep-hoi-doanh-nghiep-viet-voi-doi-tac-tren-the-gioi-182686.html

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM