Cấp thiết thành lập Hội đồng tư vấn kinh doanh RCEP BAC

Chiều nay(20/10), Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công đã tham dự cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC) cùng các nước thành viên thông qua hình thức trực tuyến.

Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công tham dự cuộc họp với EABC (Ảnh: Nguyễn Long).

Qua cuộc họp, có ba vấn đề chính được đưa ra thảo luận bao gồm: Trao đổi và quyết định cơ chế luân chuyển chức Chủ tịch của EABC trong các năm tiếp theo; Kiến nghị của EABC lên Lãnh đạo ASEAN+3 về việc thành lập Hội đồng tư vấn kinh doanh RCEP, trong khuôn khổ của EABC và Hợp tác với Ban thư ký ASEAN trong các hoạt động liên quan đến RCEP.

Thứ nhất, về cơ chế luân chuyển chức Chủ tịch của EABC, Chủ tịch VCCI ông Phạm Tấn Công đồng ý với phương án Chủ tịch của EABC sẽ là EABC nước Chủ tịch năm ASEAN, trong khi đồng Chủ tịch sẽ là một trong các nước ASEAN +3 (Nhật bản, Trung quốc, Hàn quốc).

Ông Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Nguyễn Long).

Thứ hai, về kiến nghị về việc thành lập Hội đồng tư vấn kinh doanh RCEP BAC, đa số thành viên của EABC đều đánh giá việc thành lập RCEP BAC trong vai trò đại diện tiếng nói của doanh nghiệp RCEP là hoàn toàn cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh việc phê chuẩn và đi vào hiệu lực của RCEP dự kiến vào đầu năm tới và đây cũng là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay và được nhiều quốc gia lớn bầy tỏ sự quan tâm.

Ý kiến của Ban thư ký ASEAN BAC cho rằng việc thành lập RCEP BAC làm một bộ phận của EABC – như một tiểu ban hoặc nhóm làm việc (như trước đây đã từng làm) sẽ không thể hiện được tầm quan trọng cũng như thu hút được các thành viên tích cực tham gia. EABC có thể là tiền thân và sau đó phát triển thành RCEP BAC, bởi điều nay cũng phù hợp với thực tế hiện nay là các chương trình, hoạt động của EABC phần lớn tập trung vào vấn đề về RCEP. Ngoài ra, nếu tư cách thành viên của RCEP BAC là do Chính phủ các nước phê duyệt (tương tự như EABC) thì sẽ phù hợp và hiệu quả hơn trong việc nâng cao vị thế của RCEP BAC.

Các nước thành viên tham dự cuộc họp của EABC.

Ban thư ký ASEAN BAC cũng cho rằng nếu EABC không chủ động trong việc thành lập RCEP BAC, sẽ có khả năng một tổ chức khác sẽ đi trước và làm việc này. Ví dụ cụ thể là World Economics Forum, một hội nghị thượng đỉnh RCEP của WEF có thể dễ dàng dẫn đến việc hình thành một nền tảng chính thức về vấn đề RCEP (tương tự như việc WEF đã từng thực hiện với ASEAN BAC một vài năm trước đây).

Tuy vậy, nếu EABC chuyển đổi thành RCEP BAC và chỉ tập trung vào RCEP thì có thể có thể giảm dần vai trò đối với các vấn đề nội khối khác của ASEAN (ngoài RCEP) – là những vấn đề hiện đang chồng lấn với ASEAN BAC. Vì vậy, ASEAN BAC mong muốn EABC chuyển hướng tập trung sang các vấn đề RCEP.

Đối với VCCI, hiện nay VCCI tham gia cả hai tổ chức là ASEAN BAC và EABC, nên đảm bảo được vị thế và vai trò của đại diện Việt Nam ngay cả trong trường hợp EABC chuyển hướng hoàn toàn sang RCEP BAC. Tuy vậy, nếu EABC duy trì được tiếng nói đối với các vấn đề của ASEAN như hiện nay thì sẽ duy trì được sự đa dạng về các tổ chức đa phương tham gia và hỗ trợ ASEAN.

Thứ ba, về hoạt động phối hợp của EABC với Ban thư ký ASEAN. EABC đang hợp tác với Ban Thư ký ASEAN trong việc tổ chức một loạt hội thảo trực tuyến về RCEP với chủ đề “Tận dụng cơ hội RCEP cho doanh nghiệp”. Diễn giả cho các phiên họp bao gồm đại diện từ chính phủ, doanh nghiệp và học giả.

Các Hội thảo trực tuyến đã tổ chức trong chuỗi hội thảo về RCEP:

Chủ đề 1: Thương mại hàng hóa – Ngày 26/07/2021

Chủ đề 2: Giao dịch hàng hóa II – Ngày 3/9/2021

Chủ đề 3: Thương mại Dịch vụ – Ngày 12/10/2021

Chủ đề 4: Đầu tư

Chủ đề 5: ECOTECH

Chủ đề 6: Quy định chung & Ngoại lệ, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối năm 2021.

Ngoài chuỗi hội thảo trực tuyến do Ban Thư ký ASEAN và EABC đồng tổ chức, Ban Thư ký ASEAN cũng đang đề xuất xây dựng các video quảng bá RCEP để chuẩn bị cho việc triển khai RCEP vào năm tới. EABC dự kiến sẽ hỗ trợ việc xây dựng các video quảng bá này.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Liên quan bài viết

Bài tiếp

NÊN XEM