Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng Việt Nam đã thực hiện tốt việc duy trì chuỗi cung ứng trong suốt những tháng vừa qua của năm 2022.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Chủ tịch AmCham đánh giá cao những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện trong việc ứng phó với COVID-19 cũng như kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới, những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những tháng gần đây được đánh giá rất cao trên mọi phương diện từ phục hồi kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và xếp hạng tín nhiệm, trong đó bao gồm cả những đánh giá tích cực dành cho những doanh nghiệp Nhà nước như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông John Rockhold cho biết AmCham và các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng kinh tế trong tương lai tại Việt Nam và tin tưởng rằng những bước tiến thực chất mà Việt Nam đã đạt được sẽ tạo tiền đề cho phục hồi một cách bền vững và mạnh mẽ, đồng thời hỗ trợ trong quá trình Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất coi trọng sự đồng hành của Chính phủ Việt Nam và tin rằng đối thoại thẳng thắn gần đây giữa Chính phủ và khu vực tư nhân sẽ giúp giải quyết các thách thức cũng như đề ra chính sách công tối ưu cho nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Phát triển năng lượng phù hợp với cam kết lộ trình trung hòa carbon
Theo ông John Rockhold, để đảm bảo vị thế của mình, Việt Nam cần coi vấn đề an ninh năng lượng là ưu tiên cao nhất khi mà không quốc gia nào có thể phát triển kinh tế mà không đảm bảo sự tiếp cận với nguồn năng lượng với giá cả phải chăng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần loại bỏ dần lượng phát thải trong quá trình phát triển kinh tế và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Theo đó, Việt Nam cần theo đuổi một hướng đi phù hợp với cam kết đã đưa ra. Việc phát triển năng lượng phù hợp với cam kết lộ trình trung hòa carbon là mục tiêu trọng tâm của Việt Nam. Điều này không chỉ nhằm phát triển nền kinh tế mà còn thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp.
“Việc kết hợp hài hòa giữa phát triển năng lượng và thực hiện cam kết trung hòa carbon rất hữu dụng trong việc vận hành hệ thống hiệu quả nhất, mở đường cho phát triển công nghệ trong khi vẫn giảm được lượng khí thải”, ông John Rockhold nhấn mạnh.
Ông John Rockhold cho rằng Việt Nam không thể và không nên làm theo các tiêu chuẩn loại bỏ carbon mà các nước phương Tây đang thực hiện. Thay vào đó, Việt Nam nên tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ năng lượng bền vững.
“Việt Nam đang ở vị trí thuận lợi và độc nhất để áp dụng một cách tiếp cận dài hạn hướng đến nền kinh tế không carbon, đồng thời giải quyết những thách thức hiện nay”, Chủ tịch AmCham nhấn mạnh.
Thời gian tới, AmCham có kế hoạch hỗ trợ Chính phủ hiện thực hóa các cam kết tại COP26 bằng việc tham gia Kế hoạch sản xuất năng lượng tại Việt Nam 3.0 và đưa ra khuyến nghị về giảm thiểu rủi ro trong Đề án Quy hoạch điện VIII và các hoạt động bảo lãnh ngân hàng.
Ông John Rockhold cho rằng việc ban hành Quy hoạch điện VIII rõ ràng và minh bạch sẽ mang lại nguồn vốn đầu tư lên đến 130 tỷ USD cho phát triển năng lượng tại Việt Nam cũng như quy tụ được một khu vực tư nhân mạnh mẽ, bao gồm các nhà đầu tư, nhà phát triển, nhà điều hành và hệ thống ngân hàng.
Đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Nhằm thúc đẩy sản xuất và duy trì tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, ông John Rockhold khuyến nghị Việt Nam nên tăng cường tính minh bạch và nâng cao tính dự đoán trong hệ thống thuế. Việc này sẽ củng cố môi trường đầu tư của Việt Nam, đặc biệt nhằm tránh các phán quyết và đánh giá có hiệu lực hồi tố.
Ngoài ra, việc áp dụng Thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết là cần thiết khi mà đầu vào chuỗi cung ứng đi qua nhiều cửa khẩu. Đây là một khái niệm mà Việt Nam đã chấp nhận về mặt lý thuyết nhưng cần phải được triển khai.
Phía AmCham cũng khuyến khích Việt Nam ký kết và phê chuẩn Hiệp định thuế song phương với Hoa Kỳ nhằm tránh đánh thuế 2 lần đối với công dân và các khoản đầu tư của Hoa Kỳ trong thời gian tạm thời.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng nên tiếp tục đẩy nhanh việc thông qua Nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) để các công ty trong nước và nước ngoài không cần phải duy trì 2 bộ sổ sách trong giao dịch và kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp hơn, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các thị trường mới và lớn hơn. Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực thương mại điện tử, tài chính công nghệ, áp dụng công nghệ trong giáo dục và nền kinh tế sáng tạo.
“Để phát huy hết tiềm năng của mình, Việt Nam cũng cần tiếp tục đảm bảo một môi trường pháp lý thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như cung cấp các dịch vụ và dữ liệu xuyên biên giới với độ bảo mật cao”, Chủ tịch AmCham đề xuất.
Thực hiện được những khuyến nghị nêu trên sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững thông qua việc tạo việc làm có mức thu nhập cao hơn, tăng cường chuyển giao công nghệ và kỹ năng, thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao và tăng khả năng cạnh tranh quốc tế.
Nguồn: Báo Chính phủ