Một kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 92% số doanh nghiệp Việt Nam có sự quan tâm hoặc đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ… nhờ chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong thực tế, số doanh nghiệp chuyển đổi số thành công chưa nhiều, nhất là các doanh nghiệp mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt như khối doanh nghiệp nhà nước.
Mang lại nhiều thành quả
Triển khai “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thể hiện rõ vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước, chủ động chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cách làm, tận dụng sức mạnh của công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Chuyển đổi số đã mang lại nhiều thuận lợi hơn trong đời sống kinh tế-xã hội khi người dân và doanh nghiệp không phải thanh toán tiền điện bằng tiền mặt, không phải đến các cơ sở giao dịch để làm thủ tục liên quan đến quá trình cung cấp dịch vụ điện. Tính đến đầu năm 2023, EVN đã công bố 14 giao diện lập trình (API) kết nối với các nền tảng số; 98% thiết bị chính, tương ứng 1,9 triệu hồ sơ của nhà máy điện và lưới điện được cập nhật trong cơ sở dữ liệu thiết bị phần mềm PMIS; cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến, tương đương dịch vụ công cấp độ 4,… Các dịch vụ điện được cung cấp qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng (app), các ứng dụng mạng xã hội (zalo),… tỷ lệ khách hàng thanh toán hóa đơn điện không dùng tiền mặt đạt 99,67%; hợp đồng mua bán điện thực hiện theo phương thức điện tử đạt 99,15%, hơn 700 nghìn hóa đơn điện tử được luân chuyển qua cổng kết nối với Tổng cục Thuế. 100% TBA 110kV và 84% TBA 220kV vận hành theo chế độ không người trực và điều khiển từ xa, 100% gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng…
Đối với ngành hàng không, từ ngày 2/8, hành khách bay nội địa chính thức được sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 để làm thủ tục check-in tại tất cả cảng hàng không, sân bay thay cho xuất trình giấy tờ tùy thân. Ngay trong ngày đầu triển khai chính thức tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, đã có hàng trăm lượt hành khách sử dụng VNeID thay giấy tờ tùy thân làm thủ tục check-in thuận lợi. Thời gian để nhân viên an ninh hàng không kiểm tra trực quan VNeID mức 2 đối với 1 hành khách (không tính thời gian xếp hàng) dao động từ 10 đến 140 giây. Thời gian kiểm tra bằng quét mã QR code đối với 1 hành khách dao động từ 5 đến 15 giây. Toàn bộ việc quét mã QR code đều thành công, 100% tài khoản VNeID mức 2 sau khi quét QR code đều cho kết quả là tài khoản do Bộ Công an cấp.
Các DN hàng không giảm được rất nhiều nhân lực nhờ tối ưu hoá quy trình lao động, sản xuất và ứng dụng các công nghệ của CĐS và từ đó giảm chi phí. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại của quá trình CĐS giúp cho quá trình vận chuyển hành khách, hàng hoá được tối ưu hoá, giảm mức tiêu hao nhiên liệu, trên cơ sở đó giúp bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực tiếp nhận, giảm tình trạng tắc nghẽn cả trên không và dưới mặt đất trong hoạt động hàng không dân dụng…
Sau một thời gian xây dựng tầm nhìn số và lộ trình chuyển đổi số,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi, trong đó cơ sở dữ liệu E&P làm nền tảng; Triển khai xây dựng các nền tảng ứng dụng để nâng cao công tác quản trị điều hành của Tập đoàn; Triển khai đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các giải pháp bảo mật để đáp ứng yêu cầu của công tác chuyển đổi số. Đến nay, Petrovietnam đã ứng dụng và triển khai Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để quản lý và tối ưu vận hành, ngày; Xây dựng Cơ sở dữ liệu tìm kiếm thăm dò và khai thác giai đoạn 1; Xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực khác; Triển khai bộ công cụ Office 365 cho CBCNV; Số hóa bộ Quy chế Quản trị nội bộ; Số hóa các tài liệu lưu trữ hành chính của Cơ quan Tập đoàn; Nền tảng hạ tầng và bảo mật được tăng cường và duy trì và cải thiện liên tục… Quá trình chuyển đổi số đã giúp Petrovietnam nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động, góp phần xây dựng nền kinh tế số, nền kinh tế xanh…
Thiếu nhiều yếu tố quan trọng
Cho dù đạt được nhiều lợi ích nhưng số lượng doanh nghiệp thành công trong chuyển đổi số ở Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế. Thiếu nhân lực nội bộ, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu thông tin công nghệ số, thiếu lộ trình chuyển đổi số rõ ràng… là những yếu tố đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp hiện nay.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp Nhà nước có những quy định tổ chức rất khác với các doanh nghiệp có hình thức sở hữu khác. Họ có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ. Đây là những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để chuyển đổi số, vì không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay. Ngoài ra, do sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn nên tạo ra nhiều thách thức trong xây dựng lộ trình chuyển đổi số, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới, hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.
Quá trình chuyển đổi số cũng phát sinh số tiền đầu tư lớn, nhưng doanh nghiệp nhà nước không thể ra quyết định nhanh chóng do có sự kiểm soát chặt chẽ về đầu tư. Chuyển đổi số đòi hỏi một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, thay vì tạo ra một tác động tổng thể, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay vẫn đang tập trung nhiều vào quá trình số hóa vận hành và xây dựng một số giải pháp cụ thể. Đó là chưa nói đến việc chiến lược tích hợp kinh doanh-chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay đa phần mới chỉ dừng ở việc hoạch định. Vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp dưới của tổ chức đang là một điểm nghẽn lớn, do vậy, chưa thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định, cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành…
Gỡ bỏ điểm nghẽn về mặt thể chế
Không có một mô hình hay phương thức chuyển đổi số cụ thể nào thích ứng và phù hợp cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khuôn khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược, mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Để quá trình chuyển đổi số thành công, theo ông Lê Nguyễn Trường Giang, cần gỡ bỏ điểm nghẽn về mặt thể chế mới có thể giúp các doanh nghiệp nhà nước vận động nhanh. Bên cạnh đó, cần có ý chí, quyết tâm rất cao của người đứng đầu vì doanh nghiệp nhà nước thường có quy mô lớn, thói quen sản xuất, kinh doanh truyền thống đã ăn sâu trong đội ngũ người lao động.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trực thuộc, trong thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ nhóm nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn chặt chẽ với cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ số tại Ủy ban và hoạt động chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, tổng công ty; đồng thời nâng cao năng lực quản trị, chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu của doanh nghiệp bằng cách áp dụng các giải pháp chuyển đổi số; tổ chức xây dựng Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành số áp dụng tại các tập đoàn, tổng công ty; từng bước gắn đánh giá mức độ chuyển đổi số là một phần quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,…
Bên cạnh đó, theo GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường đại học Kinh tế quốc dân), để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số, Chính phủ phải tạo dựng được môi trường, cơ chế cho doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu và phát triển kinh tế số. Hạ tầng công nghệ thông tin của đất nước có sự ưu tiên tập trung đầu tư hiện đại ngang tầm các nước phát triển và quan trọng là phải bảo đảm nguồn nhân lực ICT đủ chất lượng đáp ứng về công nghệ số.
Các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ như xây dựng Chiến lược quốc gia về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp nhà nước tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đồng thời xây dựng khung chính sách thử nghiệm về mặt pháp lý và mức độ chịu rủi ro của doanh nghiệp nhà nước đặc biệt để tăng tính chủ động và khả năng ra quyết định đột phá của người lãnh đạo…
Nguồn: Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)