(vn express) Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp giữ ngôi đầu, trong khi Hà Nội đã vươn lên vị trí 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI 2016).
Sáng nay (14/3), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.
Hà Nội lần đầu tiên sau nhiều năm đã vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt và ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố. Vị trí này cải thiện 10 bậc so với bảng xếp hạng PCI năm ngoái.
Những nỗ lực của Hà Nội được cộng đồng ghi nhận nhiều nhất ở chỉ số thành phần chi phí thời gian và chi phí không chính thức, lần lượt tăng 0,3 và 0,4 điểm so với 2015. Cụ thể, 53% doanh nghiệp cho biết “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký”, tăng 4% so với năm 2015 và 15% so với cách đây 2 năm.
49% doanh nghiệp tại Hà Nội cho biết “cán bộ Nhà nước thân thiện trong giải quyết thủ tục hành chính”, tăng 13% so với một năm trước đó. Tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp cũng giảm từ 78% xuống còn 69%.
Hà Nội tăng 10 bậc, giữ vị trí 14 trong bảng xếp hạng PCI 2016.
Đà Nẵng lần thứ tư liên tiếp trụ vững ngôi đầu bảng với số điểm 70, đánh dấu lần thứ 7 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi PCI được công bố. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ hai với 65,60 điểm, kế tiếp là Đồng Tháp 64,96 điểm.
Năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của Bình Dương (63,57 điểm) và Vĩnh Long (62,76 điểm) trong nhóm những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc cùng với Lào Cai (63,49 điểm). Các tỉnh, thành khác như Thái Nguyên, TP HCM, Vĩnh Phúc và Quảng Nam cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
Bà Rịa Vũng Tàu xếp thứ 16 với 60,50 điểm, tăng2 bậc so với năm ngoái.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá, kết quả PCI 2016 phản ánh những dấu hiệu khởi sắc với doanh nghiệp dân doanh trong nước. Lần đầu tiên trong 12 năm qua quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp tăng lên mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với cách đây 10 năm. Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động tăng thêm 1%, lên 13% sau một năm.
Điều tra các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho thấy, 11% doanh nghiệp tiết lộ đã tăng vốn đầu tư, 63% tuyển dụng thêm lao động mới, mức cao nhất trong 5 năm qua. Hơn một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát (khoảng 800 doanh nghiệp) có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, các doanh nghiệp FDI đánh giá chi phí gia nhập thị trường và tham nhũng vặt đã giảm bớt. “Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn e ngại về môi trường kinh doanh bình đẳng, việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch…”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh, các thủ tục hành chính hậu đăng ký kinh doanh vẫn cần được đơn giản hoá, giảm bớt chi phí, gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, báo cáo PCI 2016 còn dành hẳn một chương đánh giá về cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường. Theo đó, 50% doanh nghiệp FDI và 45% doanh nghiệp trong nước đều sẵn sàng trả một mức chi phí hợp lý cho hoạt động cụ thể bảo vệ môi trường.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại địa phương.